Theo ghi nhận của Thanh Niên, lượng hồ sơ góp vốn căn hộ, nền đất chiếm một tỷ lệ lên đến 60-70% tổng số vụ giao dịch tại TP.HCM. Vì vậy, xác định vấn đề góp vốn đầu tư sẽ là chìa khóa giải mã những vướng mắc trong việc thu thuế chuyển nhượng bất động sản (BĐS) hiện nay.
Ông Lương Trí Thìn, Tổng giám đốc công ty cổ phần địa ốc Đất Xanh lập luận, rất nhiều trường hợp cá nhân góp vốn với chủ đầu tư để thực hiện dự án, hưởng quyền mua căn hộ nền đất nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng lại chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác phần vốn kèm với quyền mua sản phẩm BĐS sẽ hình thành trong tương lai mà phải thực hiện kê khai thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS là không hợp lý. Bởi, phần vốn góp và quyền mua chỉ đơn thuần là hoạt động đầu tư tài chính, mà hoạt động đầu tư tài chính theo quy định hiện hành thì thuế suất chỉ 5%.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, do tính đặc thù chuyển nhượng nhiều lần của các dạng hợp đồng góp vốn, nên khi triển khai thu thuế đã khiến cho giá các loại sản phẩm BĐS như nền đất, căn hộ tăng lên do người bán cộng thêm vào thuế. Điều này làm cho người sở hữu cuối cùng và là người có nhu cầu về nhà ở phải trả một mức giá cao hơn. Đây là một thực tế đang diễn ra trên thị trường BĐS.
Trong khi đó, luật sư Trương Thị Hòa phát hiện ra rằng, so sánh các quy định về nộp thuế TNCN đối với BĐS, thấy rõ một điều là “có văn bản thì cho lựa chọn mức thuế để nộp, lại có văn bản lấy mức thuế 25% để áp dụng”. Theo bà, cần phải có sự đồng nhất trong cách tính thuế trên tinh thần động viên người dân nộp thuế. Có như vậy, mới có thể tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển và động viên doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư vào thị trường này.
Phó giám đốc điều hành một công ty địa ốc cũng cho biết, từ sau khi áp dụng thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS, dòng vốn đầu tư đã đọng lại ở các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thị trường BĐS, đặc biệt là các hợp đồng góp vốn hầu như bị ngưng trệ hoàn toàn. Không phải đợi đến lúc có thông tin về thuế, nhiều người mới bung căn hộ ra bán. Vì đa số người đầu tư vào thị trường này là nhà đầu tư nhỏ lẻ nên thường bị phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, sau đó tìm cách chuyển nhượng để kiếm lời. Điều khó khăn đối với các nhà đầu tư này là muốn bán nhưng lại rất khó giao dịch, bởi nhà đầu tư bán ra muốn tránh thuế thì những nhà đầu tư mua lại cũng muốn tránh thuế, hậu quả là mức cầu về căn hộ bị giảm nghiêm trọng.
Chỉ tính riêng trong quý 3/2009, lượng căn hộ bán ra trên thị trường sơ cấp tại TP.HCM (chủ đầu tư bán bằng giá gốc) bằng hình thức hợp đồng góp vốn vào khoảng 5.800 căn. Chắc chắn nhà đầu tư mua căn hộ trong đợt này sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển nhượng lại hợp đồng góp vốn, trong khi áp lực lãi vay ngân hàng ngày càng cao. Đây là điều mà nhiều chủ đầu tư dự án căn hộ e ngại nhất hiện nay, bởi một khi các nhà đầu tư quay lưng thì việc giải quyết đầu ra cho các dự án sẽ không còn thuận lợi như trước nữa.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên