Top

Thống nhất một mức giá đền bù đất trong toàn Hà Nội

Cập nhật 09/12/2008 09:20

Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội cho rằng, việc thu hồi đất 4000 ha đất nông nghiệp, thành phố sẽ đảm bảo giá đền bù và tiền hỗ trợ việc làm sau thu hồi đất của các vùng theo một mức giá chung thống nhất trong toàn thành phố.

4.000ha đất nông nghiệp sẽ dành để xây hạ tầng, trục giao thông lớn

* Thưa ông, theo kế hoạch năm 2009, Hà Nội dự kiến sẽ thu hồi khoảng 4.000 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong thời điểm chưa có quy hoạch tổng thể thì việc thu hồi đất này sẽ sử dụng vào những mục đích gì?

- Theo thống kê, thời điểm này có tới 934 dự án, trong đó có nhiều dự án đã thu hồi nhưng chưa giải phóng mặt bằng xong vì phân kỳ đầu tư các dự án vẫn còn có những cái chưa rõ ràng.

Khi thủ đô hợp nhất, quy hoạch ý tưởng hiện đại, văn minh xứng tầm với các thủ đô lớn trên thế giới thì môi trường đầu tư phải càng hấp dẫn hơn đối với DN. Chính vì vậy Hà Nội phải nhanh chóng thu hồi đất để thực hiện những quy hoạch đó.

Những dự án thu hồi đất tới đây phải tập trung chủ yếu vào việc phát triển cho dự án về giao thông, hạ tầng khung, trục đường giao thông lớn. Số còn lại sẽ tập trung xây dựng các khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ; Hạ tầng về xã hội như trường học, y tế, công viên cây xanh, hồ điều hoà, nghĩa trang, xử lý nước thải...

* Thành phố đã tính toán đến lợi ích cũng như những hệ luỵ của người nông dân trong việc chuyển đổi một lượng lớn đất nông nghiệp?

- Việc lấy đất này cũng chưa thể nói là nhiều quá hay ít quá, còn nếu người dân mà mất đất thì đương nhiên nhà nước cũng sẽ có chính sách để chăm lo cho dân, từ đào tạo nghề, ổn định đời sống, hỗ trợ khác nữa, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi nghề cho nông dân.

* Thưa ông, sẽ có một vấn đề phát sinh là chính sách thu hồi đất và giá đền bù của Hà Nội cũ và Hà Tây cũ trước đây khác nhau, vậy nay sẽ tính toán lại như thế nào cho phù hợp?

- Chính sách ban hành thống nhất đã được làm khẩn trương và bắt buộc. Nếu trước đây Hà Tây cũ và huyện Mê Linh... ban hành chính sách đền bù theo thẩm quyền của tỉnh thấp hơn, Hà Nội thì cao hơn, thì đến nay để đảm bảo công bằng sẽ thống nhất theo chính sách đền bù theo mà Hà Nội áp dụng từ trước.

* Còn việc hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm sau thu hồi đất TP cũng điều chỉnh như thế nào để đảm bảo hài hoà lợi ích cho người nông dân ở các vùng hay chưa?

- Chúng tôi đều thống nhất quan điểm, khi đã hợp nhất thì chính sách đối với những người dân bị thu hồi đất sẽ có chính sách chung thống nhất. Không có chuyện hỗ trợ nơi này cao nơi này thấp mà theo một mức chung.

Nếu có trong quá trình hỗ trợ nếu khó khăn về tài chính thì phải cân đối từ các mục khác chứ dứt khoát tiền chuyển đổi nghề cho dân phải được ưu tiên.

Thay chủ đầu tư nếu "ngâm" dự án

* Trong báo cáo kiến nghị cử tri gửi tới Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cử tri có phản ánh là hiện nay rất nhiều dự án thu hồi đất của TP không mang lại hiệu quả. Vậy mình sẽ xử lý như thế nào đối với những dự án đó, không để tình trạng thu hồi xong để đấy vừa tổn hại cho sản xuất, vừa lãng phí?

- Tôi cũng đồng tình với quan điểm là nên có rà soát để có giải pháp đối với nhà đầu tư, buộc họ phải có kế hoạch sử dụng thiết thực, trên cơ sở đó mới phân kỳ ra để đầu tư.

Hiện nay có nhiều dự án đầu tư, GPMB với diện tích rất lớn nhưng tiềm lực chuẩn bị cho việc giải phóng mặt bằng, đền bù cho dân hạn chế dẫn đến việc thoả thuận dây dưa kéo dài nhiều năm gây bức xúc cho nhân dân.

Vì vậy trong năm 2009 phải xem xét ngay những dự án kém hiệu quả để xử lý thậm chí nếu thấy cần thiết phải thay chủ đầu tư hoặc thu hồi.

Ngoài ra, phải công khai các dự án đó để người dân biết và giám sát. Việc này chúng ta làm lâu rồi nhưng hiệu quả mang lại là rất ít, người dân cũng không yên tâm vì chúng ta không công khai nói rõ đơn vị nào sử dụng sai.

Việc công khai này sẽ rất hiệu quả không những đối với những đơn vị bị tác động từ việc thu hồi trực tiếp mà còn có tính chất lan truyền và cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư.

* Trong quy hoạch của Hà Nội mở rộng, chúng ta đang nghiêng về phương án 40% cho đất đô thị còn lại 60% là dành cho cây xanh, môi trường. Nhưng trong kế hoạch thu hồi năm 2009 chỉ dành cho hạ tầng giao thông là chính, như vậy liệu khi làm quy hoạch tổng thể Hà Nội mở rộng có bị chồng lấn hay không?

- Việc này cũng đã đặt ra, nhưng dù để đảm bảo cho cây xanh môi trường thì cũng phải đảm bảo hạ tầng khung, mà trong chính sách lần này chúng ta dành đất chủ yếu cho hạ tầng khung, như giao thông, thoát nước, khu đô thị, sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy trong quá trình làm chúng ta cũng sẽ cân đối mật độ cho phù hợp.

* Xin cảm ơn ông!

>2009: Hà Nội sẽ "mất" gần 4.000ha đất nông nghiệp


DiaOcOnline.vn - Theo VTC News