Các doanh nghiệp thường "án binh bất động" khi thị trường nguội lạnh. Song các chuyên gia lại cho rằng đây là cơ hội đầu tư tốt để có ngay sản phẩm khi thị trường hồi phục. Điều quan trọng là phải tìm được dự án phù hợp.
Trong hội nghị với ngành kế hoạch đầu tư, cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp đầu tư bất động sản nên triển khai các dự án ngay thời điểm này. Hiện, giá vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép đều đã giảm gần một nửa so với đầu năm, lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng giảm. "Không nên để đến tận hai năm nữa mới triển khai đầu tư bởi thời điểm đó đã phải có sản phẩm để đưa ra thị trường", ông Dũng nói.
Cùng quan điểm này, các nhà phân tích nhận định, theo quy luật chung, thị trường sau thời gian chững lại sẽ thiếu nguồn cung, dẫn đến hàng hóa bị khan hiếm, giá cả tăng cao, rất dễ tạo nên những đợt "sốt nóng". Chính vì vậy, theo ông Đặng Văn Quang, Trưởng phòng Tư vấn Chiến lược Công ty Dịch vụ Bất động sản Jones Lang LaSalle, các nhà đầu tư địa ốc nên tranh thủ triển khai những dự án khả thi ngay từ lúc này để sau 1 đến 2 năm, thị trường qua đợt trầm lắng, doanh nghiệp sẽ có ngay sản phẩm tung ra thị trường. "Nguyên tắc có mặt trên thị trường ngay khi thị trường hồi phục là một cách làm khôn ngoan", ông Quang nhấn mạnh.
Việc ngân hàng cởi mở hơn trong việc xét cho vay bất động sản giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn đầu tư. Trước đây, nhiều ngân hàng thắt chặt bằng giới hạn tiêu chuẩn buộc cá nhân muốn bảo lãnh cho công ty vay phải là thành viên hội đồng quản trị hoặc trong ban lãnh đạo. Nay, mức tiêu chuẩn này đã nới lỏng hơn, cá nhân chỉ cần là thành viên của công ty và sử dụng ít nhất 5% vốn cổ phần. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng cùng giá thành nguyên vật liệu giảm nhiều so với đầu năm cũng là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp bất động sản đầu tư.
Cũng theo nhiều nhà phân tích, khi vàng phụ thuộc nhiều vào thế giới, kênh chứng khoán không hấp dẫn, đồng đô la phụ thuộc nhiều vào Mỹ thì tiền nhàn rỗi huy động vào bất động sản xem như là phương án khả thi. Bởi giá trị sử dụng bất động sản mang tính dài hạn. Hơn nữa, bất động sản thực tế không bị mất đi và giá trị của nó toàn có thể tăng thêm sau khi thị trường trầm lắng.
Thêm vào đó, hiện hai quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam Indochina Capital và VinaCapital đang tiến hành kế hoạch đầu tư vào bất động sản nước ta. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội cho thị trường trong nước. Ông Phạm Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá Thế kỷ thuộc tập đoàn Century Group cho rằng các quỹ đầu tư nhảy vào sẽ hâm nóng thị trường bất động sản trong nước dẫn đến hàng loạt sản phẩm mới ra đời. Tâm lý đầu tư "đám đông" sẽ lôi kéo các nhà đầu tư cùng chung vốn để đầu tư, chia sẻ khó khăn với dự án. "Các công ty địa ốc nên nắm bắt lấy cơ hội cùng hợp tác để học hỏi kinh nghiệm của các quỹ nước ngoài này", ông Hưng chia sẻ.
Song lựa chọn dự án và phương pháp đầu tư không phải là một vấn đề đơn giản. Các nhà phân tích cho rằng, đây là một bài toán về chi phí cơ hội buộc nhà đầu tư phải tính toán sao cho sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất. Trên thực tế, nhiều dự án có tiềm năng do thiếu vốn đã buộc phải "bán lúa non". Đại diện một doanh nghiệp địa ốc cho biết, công ty ông đã mạo hiểm đầu tư 30% vốn trị giá hơn 30 tỷ cho một dự án dang dở. "Nếu chờ tiếp, có khả năng giá vật liệu sẽ giảm, nhưng đánh đổi lại tiến độ dự án bị trì hoãn. Chi phí cơ hội buộc nhà đầu tư phải tinh toán và có bản lĩnh phán đoán thị trường", vị chủ đầu tư này nói.
Trong tình hình khó khăn chung, vũ khí duy nhất để các doanh nghiệp bất động sản cứu mình là giá thành sản phẩm. Theo ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Cường thì đại đa số FDI vào Việt Nan chủ yếu đổ vào các dự án du lịch, khách sạn, phân kỳ đầu tư hàng chục năm. Ông Việt cho rằng các công ty nước ngoài bán uy tín để lấy sản phẩm, đưa ra các công nghệ mới để hướng đến các khách hàng cao cấp thì ta hoàn toàn có thể đầu tư cho những hàng hóa bất động sản có giá thành vừa phải. "Sẽ là lợi thế nếu chúng ta đi vào các sản phẩm bán được ngay để đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng và không phải lo cạnh tranh", ông Việt nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo Đô Thị