Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi trong một cuộc họp kiểm điểm, “ốp” tiến độ mới đây với các ngành chức năng và chủ đầu tư trong việc thực hiện xử lý, giải quyết một loạt nhà nguy hiểm trên địa bàn thành phố như: C1 Thành Công, B6-C7 Giảng Võ, quận Ba Đình; E6-E7 Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng và I1-I2-I3 Thành Công 2, quận Đống Đa.
Các cơ quan chức năng phải giải quyết nhanh các thủ tục
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi đã chỉ đạo Sở Xây dựng phải rà soát danh sách các nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng lại các nhà chung cư nguy hiểm, hoàn chỉnh các thủ tục, có văn bản chính thức trình nhà đầu tư thực hiện trong tháng 11/2008 theo nội dung Quyết định số 48/2008/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng xuống cấp trên địa bàn TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, đối với các nhà nguy hiểm, Sở Quy hoạch – Kiến trúc căn cứ Quy chuẩn Xây dựng Việt nam ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 3/4/2008 của Bộ Xây dựng và Quy hoạch chi tiết quận (nơi có công trình nguy hiểm) được duyệt để xác định ngay các chỉ tiêu quy hoạch công trình được xây dựng lại, làm cơ sở để nhà đầu tư lập phương án, dự án cải tạo, xây dựng lại các nhà nguy hiểm này. Sau 7 – 10 ngày nhận được hồ sơ của nhà đầu tư, Sở Quy hoạch – Kiến trúc phải có văn bản giải quyết.
Mặt khác, đối với các nhà nguy hiểm, Sở Xây dựng kiểm tra, hướng dẫn ngay chủ đầu tư lập và phê duyệt phương án phá dỡ, thiết kế cơ sở và các thủ tục quản lý đầu tư xây dựng, đáp ứng kịp thời yêu cầu tiến độ thực hiện của UBND TP. UBND các quận cũng phải tiếp tục chủ động tuyên truyền, phổ biến và giải thích các chủ trương, chính sách của Nhà nước và UBND TP; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo GPMB TP và các sở, ngành liên quan kiểm tra, hướng dẫn và phê duyệt kịp thời phương án hỗ trợ, di chuyển tạm cư và tái định cư theo đúng quy định hiện hành cũng như Quy chế cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng xuống cấp trên địa bàn TP Hà Nội, ban hành kèm theo Quyết định số 48/2008/QĐ-UBND.
Nhà đầu tư không đủ năng lực sẽ bị thu hồi nhiệm vụ chủ đầu tư
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi, Sở Xây dựng phải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ đã giao cho các chủ đầu tư. Đối với các chủ đầu tư không đủ năng lực, không thực hiện đúng các yêu cầu và cam kết, Sở Xây dựng phải đề xuất, báo cáo thu hồi nhiệm vụ chủ đầu tư, giao cho đơn vị khác có năng lực, điều kiện để thực hiện.
Ở các dự án cụ thể như Nhà C1 Thành Công, quận Ba Đình, UBND TP giao cho Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Phương Bắc, Tổng công ty Công trình Giao thông 1 khẩn trương hoàn chỉnh phương án dỡ nhà C1 Thành Công,báo cáo Sở Xây dựng thẩm định, phê duyệt trong tháng 11/2008 để tổ chức phá dỡ công trình nguy hiểm này vào đầu tháng 12/2008. Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng có ngay văn bản thỏa thuận quy hoạch, kiến trúc xây dựng nhà C1 Thành Công với quy mô công trình từ 17-19 tầng, hệ số sử dụng đất là 10 lần, báo cáo UBND TP trong tháng 11/2008. Tổng công ty Công trình Giao thông 1 khẩn trương lập dự án, báo cáo Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở trong tháng 12/2008; Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND TP cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 1/2009 để có thể khởi công xây dựng công trình trong tháng 2/2009.
Với nhà C7 Giảng Võ, quận Ba Đình, Công ty cổ phần tư vấn Hadic – Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội được thành phố giao phối hợp với Hội đồng tổ chức di dời các hộ gia đình ra khỏi nhà nguy hiểm; đồng thời trình Sở Xây dựng thẩm định, phê duyệt phương án và tổ chức phá dỡ nhà C7 Giảng Võ, hoàn thành trong tháng 1/2009. Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND TP cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 12/2008 để tổ chức khởi công xây dựng trong tháng 1/2009.
Còn với nhà E6 – E7 Quỳnh Mai, các thông số quy hoạch đã được các cơ quan chức năng xác định, đó là chiều cao 19 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 5 lần, mật độ xây dựng 30,4%. Sở Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra lại đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu, nếu có sự chậm trễ sẽ chuyển cho đơn vị khác làm chủ đầu tư (UBND TP sẽ quyết định trong tháng 11/2008).
Riêng với các nhà I1-I2-I3 Thành Công 2, quận Đống Đa; UBND quận Đống Đa sẽ phối hợp với Sở Xây dựng và các sở ngành liên quan để thực hiện việc di dời các cửa hàng, hộ gia đình theo quy định tại Quyết định số 2169/UBND-GT ngày 20/11/2008 của UBND TP; phối hợp với UBND huyện Thanh Trì, Tổng công ty Sông Hồng và các cơ quan liên quan bảo đảm ổn định các điều kiện về sinh hoạt, học tập… cho các hộ gia đình tới tạm cư tại nhà N06 Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp. Tổng công ty Sông Hồng có trách nhiệm khẩn trương hoàn chỉnh phương án phá dỡ nhà I1-I2-I3 Thành Công 2, báo cáo Sở Xây dựng thẩm định phương án và phê duyệt phương án xong trước ngày 5/12/2008 để tổ chức phá dỡ nhà ngay; Rà soát, hoàn chỉnh phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư theo các quy định pháp luật; hoàn chỉnh các thủ tục về cơ chế, dự án để tổ chức khởi công công trình trong tháng 1/2009.
Ngoài ra, đối với nhà B6 Giảng Võ, quận Ba Đình, trên cơ sở các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc công trình nhà B6 Giảng Võ đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận tại văn bản số 22/QHKT-P2 ngày 9/1/2006 và Bộ Xây dựng thống nhất tại văn bản số 1700/BXD-KTQH ngày 21/8/2008 (công trình gồm 3 khối có quy mô 17, 13 và 15 tầng, 1 tầng hầm, hệ số sử dụng đất 7,35 lần, mật độ xây dựng là 52%); Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư Xây lắp Thương mại 36 (Công ty 36) phải hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, trình Sở Xây dựng. Đối với 9 hộ dân chưa lấy được ý kiến (do đi vắng), Công ty 36 có trách nhiệm thông báo tới các hộ dân này (với sự chứng giám của tổ dân phố và các tổ chức xã hội liên quan) để triển khai ngay các thủ tục; di dời toàn bộ các hộ dân nhà nguy hiểm B6 xong trong tháng 1/2009 và phá dỡ ngay sau đó. Dự kiến, công trình xây dựng lại nhà B6 có thể khởi công trong tháng 2/2009.
Như vậy, sau rất nhiều khó khăn vướng mắc trong việc xác định nhà nguy hiểm, chọn chủ đầu tư, thuyết phục người dân… đến nay, TP Hà Nội đã quyết liệt vào cuộc; phá dỡ, xây dựng lại các nhà nguy hiểm, để đảm bảo sự an toàn tính mạng và tài sản cho người dân; tạo bộ mặt đô thị khang trang và hiện đại hơn. Hơn bao giờ hết, người dân Thủ đô cũng đang mong mỏi các công trình xây dựng lại nhà nguy hiểm được triển khai và thi công đúng tiến độ; không bị lỡ hẹn như một số dự án khác của Hà Nội.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới