Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Châu Minh Tỷ đã khẳng định như trên trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề hội thảo đánh giá khởi động dự án “Hỗ trợ cải cách hành chính TPHCM, giai đoạn 2008 - 2011” vừa được tổ chức mới đây.
Ông Châu Minh Tỷ cũng nhìn nhận việc chọn quản lý đô thị là lĩnh vực tập trung của dự án (với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc - UNDP) sẽ đặt ra nhiều thách thức cho TPHCM, vì lâu nay các vấn đề đất đai, xây dựng vẫn là những “khâu yếu” trong thủ tục hành chính, bị người dân phàn nàn nhiều.
* Thưa ông, việc chọn nhiều mục tiêu để thực hiện như dự án đề ra có phải quá tham vọng, so với tình hình thực tế trên địa bàn TPHCM?
Thật ra cải cách hành chính là việc phải làm, cho dù có hay không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Khi UNDP chọn hỗ trợ vào lĩnh vực quản lý đô thị, TP cũng tiên liệu sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như: thủ tục hành chính vẫn còn chồng chéo, bất cập, nhất là những văn bản hướng dẫn thi hành luật; đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) còn thiếu và yếu; quy hoạch tràn lan, hạ tầng ngổn ngang…
Tuy nhiên, theo tôi chọn 4 nội dung: xây dựng đề án Chính quyền đô thị, cung cấp lĩnh vực công và xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin địa lý và nâng cao năng lực đội ngũ CBCC thì không quá nhiều. Dự án này đã được UBND TP trình Thủ tướng và các bộ có liên quan xem xét, phê duyệt.
TPHCM sẽ tập trung vào hai vấn đề chính là phải rà soát và đề xuất các bộ ngành liên quan “gỡ” các thủ tục hành chính còn bất cập, chồng chéo, nhất là những văn bản do Trung ương quy định. Và điều quan trọng thứ hai là tăng cường trình độ, năng lực cho đội ngũ CBCC vì con người là yếu tố quan trọng, quyết định cho sự thành công của cải cách hành chính.
* Đề án Chính quyền đô thị đến nay vẫn còn “mịt mù” thì những mục tiêu của dự án “Hỗ trợ cải cách hành chính” liệu có thực hiện được không, trong khi kinh phí đối ứng của TPHCM cho dự án này không nhỏ?
Về cơ bản thì đề án Chính quyền đô thị đã được Trung ương chấp thuận cho TPHCM thí điểm, tuy nhiên theo yêu cầu của Trung ương thì vẫn còn một số nội dung TP phải nghiên cứu sâu thêm về mức độ ảnh hưởng và cả các giải pháp khi triển khai đề án.
Cụ thể là về cơ cấu và tổ chức bộ máy. Một trong những vấn đề TPHCM đang rất quan tâm là việc phân cấp để thực hiện các kế hoạch kinh tế - xã hội trên địa bàn TP (cũng đã được Thủ tướng đồng ý về cơ bản) trong các lĩnh vực như xây dựng các công trình ngầm, điều chỉnh dự toán các dự án sử dụng vốn ODA…
Tuy nhiên, việc phân cấp vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là phân cấp về ngân sách. TPHCM đã từng kiến nghị được thành lập công ty tài chính nhằm huy động vốn và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và các lĩnh vực kinh tế quan trọng của TP nhưng vẫn chưa được. Trong khi đó, mỗi năm TP phải cân đối dự toán ngân sách và số tiền trả nợ về xây dựng cơ bản chiếm số lượng không nhỏ (năm 2007 là 2.500 tỷ đồng, dự kiến năm 2008 sẽ trên 3.000 tỷ đồng). Nếu được phân cấp mạnh hơn, TPHCM sẽ giải quyết có hiệu quả hơn các vấn đề kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Chúng tôi hiểu rất rõ trách nhiệm của mình trong việc sử dụng tiền ngân sách và việc UNDP tin tưởng, tiếp tục lựa chọn hỗ trợ cho TPHCM cũng chứng minh sự tin tưởng này.
*
Xã hội hóa trong lĩnh vực công và xây dựng cơ sở hạ tầng cũng là nội dung quan trọng trong dự án “Hỗ trợ cải cách hành chính”, ông có thể nói rõ hơn về việc này?
TPHCM đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác xã hội hóa lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, tài nguyên môi trường. TP đã tạo điều kiện thuận lợi để huy động nhiều nguồn lực, hỗ trợ nhà đầu tư về đất đai, cơ chế cho vay ưu đãi, chính sách thuế… Mặc dù, hiệu quả trong lĩnh vực công và xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn chưa cao, nhưng TPHCM là địa phương có điều kiện tốt nhất để đi vào xã hội hóa. Vì thế dự án lần này, UNDP đã chọn đây là một trong 4 mục tiêu để hỗ trợ, thúc đẩy mạnh trong thời gian tới. Hy vọng với sự hỗ trợ cụ thể này, TPHCM sẽ có thêm nhiều nguồn lực và có cơ hội kéo theo nhiều dự án khác phát triển.
*
Xin cảm ơn ông.DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng