Số nhà trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) hiện nay, nơi thì treo theo số của chủ đầu tư, nơi treo theo Ban Quản lý khu Nam hướng dẫn hoặc của UBND quận 7.
Loạn số nhà, tên đường ở các quận, huyện trên địa bàn TPHCM không còn là chuyện mới. Điều đáng nói là ngay một khu đô thị hiện đại như Phú Mỹ Hưng (quận 7), nơi vừa được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị mới kiểu mẫu, tên đường, số nhà cũng bát nháo không kém.
Tây - ta lẫn lộn
Ngày 23-11, chúng tôi phải toát mồ hôi hột mới lần tìm ra được địa chỉ của một người quen trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Bởi trong khu đô thị hiện đại này, nơi thì treo biển số nhà theo số của Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng tạm cấp theo bản đồ quy hoạch phân lô để xây dựng (lô B1, A2...), nơi thì treo biển số nhà theo Ban Quản lý khu Nam hướng dẫn hoặc của UBND quận 7 cấp. Việc đặt tên cho từng cụm nhà cũng không bình thường theo kiểu cấp tổ, khu phố..., mà lại gọi theo tên thương mại lúc chào bán. Chúng tôi gần hoa mắt khi dáo dác tìm và đọc các tên như: Mỹ Vinh, Cảnh Viên, An Viên, The Grand View 2, The Panorama, Sky Garden... Chính vì thế mới có những bảng số nhà theo kiểu: 22... Mỹ Hào, 11... Mỹ Kim. Riêng đường Nguyễn Văn Linh, một số nhà thì ghi tên đường này với những con số lên đến đơn vị hàng ngàn, một số lại nhảy xuống hàng đơn vị với những cái tên lạ hoắc.
Càng khó chịu hơn khi bắt gặp nhiều tuyến đường được đặt tên nửa Tây nửa ta, như: Đường 10 Tây – West 10th St; N-Nam – N South St; Phạm Thái Bường – East 7 th St...
Một cán bộ Ban Quản lý khu Nam TP thừa nhận việc loạn số nhà, tên đường ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng một phần lỗi là do cơ quan Nhà nước. Bởi nếu có quỹ tên đường đặt ngay từ đầu thì khi căn nhà xây dựng xong, chủ đầu tư sẽ bỏ số cấp tạm hoặc cách gọi địa chỉ theo lô, tên đường theo kiểu khu phố thương mại dựa trên bản đồ quy hoạch, sẽ không có tình trạng bát nháo như hiện nay.
Mã số nhà thông minh, bao giờ?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2006, TPHCM đã quyết định cho triển khai dự án “mã nhà thông minh” của Công ty Tin học Dolsolf, áp dụng cho khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Tuy nhiên, trên thực tế, những người chịu trách nhiệm thực hiện chỉ thí điểm trên giấy, sau đó họp, báo cáo và... dừng lại nên đến nay chưa có một bảng, biển mã nhà thông minh nào. Ông Nguyễn Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, cho biết: “Chúng tôi được biết dự án mã nhà thông minh thí điểm tại khu A trên địa bàn hai phường Tân Phú và Tân Phong thuộc Phú Mỹ Hưng từ lâu, nhưng đến nay dự án thực hiện vẫn chưa tới đâu ngoài vài cuộc họp liên quan đến việc này...”.
Còn theo ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện đề án: “Hiện UBND TPHCM chưa chỉ đạo về trường hợp Dolsolf nên phải chờ”. Theo ông Hùng, cách cho mã số nhà của Dolsolf là một kiểu làm quá mới, khác hẳn với cách cho số nhà theo Quy định 1958 của UBND TP và Quyết định 05 của Bộ Xây dựng. Do đó, cần có cơ quan thẩm quyền khẳng định lại ưu thế cũng như pháp lý hóa thì mới có thể áp dụng.
Tốn kém tiền tỉ!
Theo số liệu khảo sát của Công ty Dolsolf vừa công bố, trung bình một người dân ở TPHCM trong một tháng có ít nhất 3 lần gặp khó khăn khi tìm số nhà do tình trạng số nhà lộn xộn, mỗi lần mất tối thiểu 5 phút và 4.000 đồng tiền xăng. Đơn cử tại quận Gò Vấp, trong tổng số 261 con đường thì có tới 211 con đường không có tên mà phải mang số một cách lộn xộn. Các quận, huyện vùng ven khác như: 12, Bình Tân, Bình Chánh... cũng tương tự.
Được biết, phương pháp, cách thức đánh số nhà, đặt tên đường trên địa bàn TP đã được đưa ra trong đề tài nghiên cứu khoa học của Sở Nhà đất từ năm 1996. Theo đó, chỉ trong vòng một đến hai năm thực hiện là có thể giải quyết xong việc đánh số nhà, đặt tên đường, bởi vào thời điểm đó TPHCM mới có 660.498 hộ khẩu và địa chỉ với khoảng 1.000 con đường. Thế nhưng đến nay, tình trạng loạn số nhà, tên đường ngày càng nặng hơn do số đường đã tăng gấp đôi, số lượng nhà cũng tăng.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động