Thời hạn mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO chỉ còn tính bằng ngày (kể từ ngày 1/1/2009), và việc chạy đua giành mặt bằng bán lẻ vốn đã quyết liệt, nay lại càng thêm quyết liệt.
Giành giật bằng mọi giá
Việc giành quyền sở hữu, khai thác mặt bằng tại khu đất số 168 Nguyễn Đình Chiểu (ngã tư Nguyễn Đình Chiểu-Nam Kỳ Khởi nghĩa, Q.3, TP Hồ Chí Minh) của Saigon Co.op đang diễn ra hết sức quyết liệt trong thời gian gần đây.
Khu đất này vốn là tài sản của tập đoàn phá sản Epco-Minh Phụng, được kê biên để thi hành án và do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh TP Hồ Chí Minh quản lý.
Vietcombank đã cho Saigon Co.op thuê mở siêu thị từ 8 năm qua. Đến nay, Vietcombank đang có nhu cầu thẩm định giá trị, đấu giá để giải quyết dứt điểm khu đất này. Hiện việc thẩm định cũng như đấu thầu đang còn gây nhiều tranh cãi, chủ yếu là về giá cả.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Tổng giám đốc Saigon Co.op khẳng định sẽ quyết tâm mua bằng được mặt bằng khu đất này. Theo bà Hạnh, một mặt Saigon Co.op đang ra sức duy trì, mở rộng mạng lưới bán lẻ; mặt khác Saigon Co.op đã đầu tư nhiều tiền của, công sức mới tạo dựng được siêu thị Co.op Mart tại khu đất trên. Do vậy, Saigon Co.op sẽ không để mất một địa điểm bán lẻ đã đi vào lòng công chúng nhiều năm qua.
Không chỉ Saigon Co.op, tất cả các nhà bán lẻ khác cũng đã và đang nỗ lực tối đa để mở rộng hệ thống phân phối và “xí” những mặt bằng đẹp ở các thành phố, thị xã. Tập đoàn bán lẻ Parkson là một trong số đó. Sau khi đã định vị tại TP Hồ Chí Minh, Parkson tiến ra miền Bắc và chọn được hai địa điểm không kém phần đắc địa tại Hải Phòng và Hà Nội với tổng diện tích 35.000 m2.
Hệ thống siêu thị Viễn Thông A, chuyên bán lẻ điện thoại di động và máy tính xách tay, cũng đã liên tục khai trương những điểm bán mới. Hiện Viễn Thông A đã mở gần 30 siêu thị và dự tính nâng lên 40 điểm bán vào cuối năm nay.
Tổng giám đốc một hệ thống siêu thị trong nước chia sẻ: Ở nhiều nơi, nhất là các thị xã, thành phố nhỏ, việc đầu tư siêu thị chưa đem lại hiệu quả kinh tế ngay trong thời gian đầu nhưng với bất cứ giá nào vẫn phải xí chỗ bằng được.
Nếu chờ để khi sức mua tăng lên mới đầu tư thì khi ấy không còn cơ hội và đặc biệt không còn vị trí đẹp. Trong khi đó, với bán lẻ thì điều quan trọng hàng đầu là vị trí mặt bằng đẹp. Theo vị tổng giám đốc này, để đối phó với các tập đoàn bán lẻ ngoại vừa có vốn, vừa có kinh nghiệm, các nhà bán lẻ trong nước chỉ còn cách nhanh chân chiếm lĩnh các mặt bằng bán lẻ đẹp.
Trước thời điểm 1/1/2009, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chân tìm kiếm các địa điểm đẹp cho mặt bằng bán lẻ
Bắt tay với địa ốc
Để rút ngắn thời gian đầu tư cũng như chọn được vị trí đẹp, các nhà bán lẻ chuyển sang xu hướng liên kết với những đơn vị kinh doanh địa ốc thay vì tự đầu tư như trước.
Cty CP Đầu tư phát triển Saigon Co.op (SCID) và Cty VLXD và Xây lắp Thương mại (BMC) đã hợp tác khai thác kinh doanh Trung tâm thương mại (TTTM) dịch vụ và Siêu thị Co.opMart tại nhiều tòa nhà do BMC làm chủ đầu tư và xây dựng.
Theo đó, Saigon Co.op sử dụng mặt bằng tại các dự án cao ốc của BMC (theo hình thức cùng đầu tư hoặc thuê lại) để mở siêu thị. Siêu thị đầu tiên được hình thành theo mô hình liên kết này là Co.opMart BMC, ra đời giữa năm 2006, tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh). Từ đó đến nay, SCID đã mở thêm siêu thị tại các dự án cao ốc căn hộ do BMC đầu tư.
Mới đây hai bên đã hợp tác khai thác kinh doanh TTTM dịch vụ và siêu thị tại Hà Tĩnh và hợp tác chiến lược đầu tư hệ thống TTTM - Siêu thị Co.opMart - BMC tại các dự án khu nhà ở - căn hộ - TTTM do BMC trực tiếp đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, Saigon Co.op cũng đã lần lượt khai trương hai siêu thị theo hình thức hợp tác tương tự với các nhà đầu tư khác. Trong đó, một tọa lạc tại cao ốc chung cư SCREC (TP Hồ Chí Minh) và một tọa lạc trong một cao ốc chung cư tại TP Vũng Tàu.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2009 - 2010, SCID và BMC sẽ hợp tác khai thác kinh doanh tại TTTM và khách sạn, cao ốc căn hộ tại Hà Tĩnh, TP.Vinh, Cửa Lò (Nghệ An); hai vị trí khác tại TP Hồ Chí Minh là khu cao ốc căn hộ và biệt thự cao cấp BMC Hưng Long (Q7) và khu liên hợp thương mại - căn hộ - dịch vụ tại Q.Tân Phú.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Tổng giám đốc BMC, việc liên kết với các nhà bán lẻ đã làm tăng tiện ích cho cộng đồng dân cư, tức là tăng giá trị và sức hấp dẫn của các dự án địa ốc. Vì vậy, sự liên kết không chỉ đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư địa ốc-bán lẻ mà lợi cả cho cộng đồng cư dân.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op nhìn nhận, ngoài việc có được những vị trí đắc địa ở những khu dân cư tập trung, lợi ích mà các nhà bán lẻ có được trong việc hợp tác, liên kết với các DN kinh doanh địa ốc còn ở chỗ phát triển nhanh được hệ thống với suất đầu tư thấp, giúp nhà bán lẻ giảm áp lực về tài chính.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong