Theo quy hoạch, khu đô thị mới nào cũng dành đất để xây trường học, thế nhưng, tình trạng học sinh tại các khu đô thị mới phải đi học nhờ, học trái tuyến hiện đang diễn ra khá phổ biến ở Thủ đô, đang gây bức xúc trong dư luận và cả các nhà quản lý. Vấn đề không phải thiếu đất xây trường, lại càng không phải thiếu trường học, mà ở các KĐTM hiện nay trường tư nhiều, trường công ít nên cư dân ở đây phải bấm bụng cho con học nơi khác vì không đủ tiền học trường tư.
Các khu đô thị mới là nơi tập trung một lượng đông dân cư, nên khi thiết kế, các nhà thầu đều đưa ra một quy hoạch tổng thể, bao gồm cả trường học (dành khoảng 12% đến 15% diện tích đất), nhưng thực tế ở nhiều khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng tại Hà Nội, dù được thiết kế hiện đại, được quảng cáo là tiêu chuẩn quốc tế nhưng nhà đầu tư chủ yếu chỉ lo xây nhà bán, lại "quên" chưa xây trường học cho trẻ. Hoặc có quy hoạch trường học, nhưng lại đưa vào khu vực có nhiều mồ mả, giá trị đất thấp, khó bán.
Năm học mới 2008-2009, tại khu đô thị mới Trung Văn và Mễ Trì (huyện Từ Liêm), hai trường công lập THCS Trung Văn và THPT Trung Văn được bàn giao và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ít ỏi trường công lập ra đời tại gần 40 khu đô thị mới của Hà Nội. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, các khu đô thị mới tại quận Hoàng Mai hiện chỉ có 5 trường học được xây dựng, trong khi quy hoạch phải là 17 trường, số trường mầm non còn ít hơn, chỉ có 2/19 trường không đủ chỗ cho hàng chục ngàn trẻ.
Hơn 4000 hộ dân sinh sống ở khu đô thị mới Bắc Linh Đàm hoặc phải chấp nhận cho con học trái tuyến trong các trường tiểu học Đại Kim, Thịnh Liệt, Thanh Liệt (Hoàng Mai). Nhưng do là trường làng, không tổ chức học bán trú, nên phụ huynh rất vất vả khi chạy đi chạy về đưa đón trẻ. Nếu học tại trường tiểu học dân lập Phương Nam (Định Công) thì mức học phí lại không "dễ thở" với gia đình công chức. Do đó, giải pháp được nhiều người chọn nhất là đưa con em về học ở nơi ở cũ.
Tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, trường tiểu học đã có trong quy hoạch nhưng cũng không được xây dựng. Hàng trăm học sinh phải tiếp tục học nơi ở cũ, hộ khẩu không dám chuyển về vì phải học trái tuyến. Không thể tìm được một nhà trẻ bình dân nào, chỉ có hai nhà trường mầm non thuộc hàng quốc tế với mức học phí vài triệu một tháng, cái giá người dân tái định cư không kham nổi. Tương tự như vậy, rất nhiều khu đô thị trên địa bàn thành phố như Nam Thăng Long, Văn Quán, Pháp Vân... cũng trong cảnh tương tự.
Sở GD&ĐT đã có chủ trương ít nhất nửa số điểm trường tại các khu đô thị mới phải là trường công lập, số còn lại xây dựng theo mô hình xã hội hóa. Nhưng thực tế hầu hết trường học trong các khu đô thị mới đều được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, hay nói thẳng ra là trường tưnhư trường THPTDL Phương Nam (khu đô thị Định Công), Lômônôxốp, tiểu học Đoàn Thị Điểm (khu đô thị Mỹ Đình), tiểu học Lê Quý Đôn, Lý Thái Tổ... và nhiều trường mầm non khác. Học phí trong các trường này đều quá cao và chỉ một bộ phận dân cư có thu nhập khá mới đáp ứng được.
Nhiều người khi lý giải vấn đề này cho rằng, do ngân sách nhà nước đầu tư để xây dựng trường công trong các khu đô thị mới chưa theo kịp với tiến độ xây nhà để bán của các chủ dự án, nên ở những nơi này thiếu trường học cũng là điều dễ hiểu. Tại khu đô thị mới Định Công - Đại Kim còn vài ha đất quy hoạch trường học, nhưng đã 7 năm kể từ khi khu đô thị này được đưa vào sử dụng vẫn bỏ hoang, do chưa tìm được chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư được giao đất xây trường nhưng không đủ năng lực để đầu tư.
Để giải bài toán thiếu trường học trong các khu đô thị mới, trong kế hoạch tuyển sinh, Sở yêu cầu các phòng GD&ĐT tham mưu với chính quyền địa phương sở tại căn cứ vào số trẻ trên địa bàn, điều kiện cụ thể và quy mô từng trường để phân tuyến tuyển sinh hợp lý, sao cho mọi học sinh đều có chỗ học, có nơi học sinh của phường này có thể sang học ở phường bên cạnh và phương án này đã được thực hiện từ mấy năm nay, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng, để giải quyết được triệt để vấn đề này, nên chăng thành phố cần có quy định ràng buộc chủ đầu tư phải ứng trước một phần vốn để xây dựng các trường công, như là điều kiện để được giao làm chủ đầu tư xây dựng khu đô thị mới. Trong kế hoạch xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội, chính Sở cũng phải đặc biệt chú ý đến việc bố trí trường học ở những khu đô thị mới, khu tái định cư. Tránh để tình trạng người dân khu đô thị mới mỗi mùa tuyển sinh lại mạnh ai nấy chạy lo trường học cho con.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị