Đó là nhận định của GS - TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay trong cuộc hội thảo về vị trí và vai trò của thị trường này sau hai năm Việt Nam gia nhập WTO vào hôm qua 26.12 tại Hà Nội.
Vị cựu quan chức cao cấp ngành Tài nguyên - Môi trường và cũng là Chủ nhiệm Bộ môn Địa chính, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội nhận định: hiện nay thị trường BĐS không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay để hoạt động. Về nguyên tắc, trong tình trạng thị trường thiếu vốn, hàng hóa sẽ khan hiếm, giá hàng hóa phải tăng cao.
Nhưng trên thực tế, giá nhà đất bắt đầu chững lại và giảm mạnh. Như vậy, chỉ có thể giải thích được là do một phần lớn vốn vay cho thị trường BĐS trước đây đã là nguồn cung vốn cho đầu cơ nhà đất, căn hộ. Việc ngân hàng hạn chế cho vay BĐS đã trực tiếp cắt đi nguồn vốn của đầu cơ BĐS.
Có nhận định cho rằng thị trường BĐS đã xuống đáy, GS- TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, đáy của thị trường ở đâu không quan trọng bởi vì giá cả là do thị trường tạo ra. Điều quan trọng là Nhà nước cần có chính sách điều tiết giá cả BĐS về mức phù hợp, có lợi cho phát triển bền vững và những người có nhu cầu nhà ở thực sự.
TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khẳng định: "Nếu cơ chế thị trường thông suốt thì giá đất sẽ trở nên hợp lý". Theo ông Liêm, nguyên nhân của việc cơ chế thị trường đất đai đô thị còn nhiều hạn chế khiến mặt bằng giá đất cao hơn nhiều nước khác là vì sự điều hành yếu kém của Nhà nước đối với thị trường đất cấp 1, thiếu sót của hệ thống thuế, thị trường BĐS chậm trưởng thành. Theo ông Liêm, trong vấn đề giá thành đất cần nhanh chóng khắc phục nghịch lý giá đền bù thì quá thấp mà giá đất thị trường thì quá cao.
Nhận định về thị trường BĐS năm 2009, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, ngay đầu năm, các nhà đầu tư BĐS (kể cả nhà đầu cơ) đang phải đối mặt với việc trả nợ ngân hàng đối với các khoản vay trước đây. Giá nhà đất giảm, số lượng giao dịch có phục hồi nhưng không nhiều, thời hạn trả nợ cả vốn và lãi đã tới, đó là thời điểm khó khăn nhất cho các nhà đầu tư.
Các hợp đồng vay vốn trước đây đều được thế chấp bằng BĐS, khi nhà đầu tư không có tiền để trả nợ thì ngân hàng sẽ phát mãi các tài sản thế chấp, nguồn cung BĐS trên thị trường sẽ tăng lên, khả năng giảm giá nhà đất càng mạnh thêm. Chuyên gia bất động sản này kết luận: "Hiện nay thị trường không còn đầu cơ, người lao động có nhiều cơ hội để mua được nhà".
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên