Nên đưa khoản đầu tư cho quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị thành một trong những chương trình quốc gia.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến – Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật đô thị (Bộ Xây dựng) khẳng định, với khoản đầu tư hàng chục tỉ USD của Nhà nước và tài trợ của các tổ chức quốc tế, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn...) đã góp phần nâng cao chất lượng đô thị, cải thiện đời sống của cư dân.
* Theo ông, ở VN tỉ lệ đầu tư cho hạ tầng tương quan với GDP như thế nào, so với thế giới ra sao?
- TS Nguyễn Hồng Tiến: Tôi không có được con số cụ thể. Nhưng theo WB, đô thị VN có được những kết quả như thời gian qua là nhờ mức đầu tư cao dành cho cơ sở hạ tầng – khoảng 9-10% GDP hằng năm. Đây là một tỉ lệ cao so với chuẩn quốc tế.
* Nhưng vẫn đang trong tình trạng thiếu vốn cho lĩnh vực này?
- Tất nhiên. Đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài, vì vậy, để kêu gọi được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật là rất khó. Như lĩnh vực xử lý chất thải rắn, mới chỉ huy động đầu tư thu gom, vận chuyển... còn đầu tư cho xử lý vẫn đang rất thiếu. Chính vì khó như vậy nên phải xác định đầu tư có trọng điểm. Phải đầu tư trước hào tuynen kỹ thuật (hệ thống đường hầm ngầm trong đô thị chứa các đường cấp nước, cấp điện, cáp viễn thông...) để đón các hạng mục tiếp sau.
* Ai sẽ đầu tư, thưa ông?
- Có thể Nhà nước hoặc chủ đầu tư khu đô thị chẳng hạn. Công trình công cộng thì Nhà nước làm, còn các khu đô thị thì chủ đầu tư làm. Nhưng chúng ta đang thiếu những chính sách, quy định quản lý, sử dụng cho lĩnh vực này. Như trên trục đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), có hào tuynen kỹ thuật rồi, vậy mà không ai sử dụng, nhiều loại đường dây vẫn chăng khắp nơi. Vì phải tính đến khoản thu phí đối với việc sử dụng hạ tầng (để buộc các chủ đầu tư phải sử dụng hầm tuynen kỹ thuật). Theo tôi được biết, TPHCM đang xúc tiến làm thí điểm việc này.
* Như vậy, ngoài ngân sách Nhà nước và đi vay, tìm tài trợ..., có thể huy động vốn từ các doanh nghiệp?
- Trong các văn bản liên quan đều có điều khoản khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là thủ tục còn rườm rà, chưa có sự gắn kết giữa các cơ quan chuyên môn, các ngành liên quan, thiếu cơ chế. Các giải pháp huy động vốn cũng chưa được triển khai một cách tích cực, hay giải ngân chậm.
* Còn các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tiến độ triển khai cũng chậm?
- Đúng vậy, rùa thủ tục đâu chừa ai. Lại thêm tình trạng đầu tư dàn trải, nhiều công trình dở dang, thiếu vốn, giải phóng mặt bằng chậm, dẫn đến hàng loạt công trình chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế đô thị.
* Vậy cần phải giải quyết những vấn đề gì về chính sách?
- Chúng ta đang thiếu cơ chế, chính sách đồng bộ. Nếu chỉ một ngành, một địa phương thì không thể giải quyết được. Chẳng hạn, khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình ngầm để xe trong các đô thị, nhưng chính sách về sử dụng đất, thuế đất, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng... thế nào thì vẫn chưa có một quyết định cụ thể.
Cứ làm quy hoạch, còn vốn thì... chưa biết!
Hầu hết các đô thị đã được lập quy hoạch chung, và phần lớn những khu vực phát triển tập trung đều có quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, khoảng cách của đồ án quy hoạch và các dự án đầu tư theo quy hoạch còn rất xa. Các cấp chính quyền địa phương được giao quyền phê duyệt nội dung đồ án quy hoạch với những ý tưởng rất hay, song nguồn lực đầu tư lại chưa xác định được. Đó là bất cập trong quá trình phát triển đô thị.
(TS-KTS Đỗ Tú Lan - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng)
Người Đô Thị