Top

Thép, cảng? Hay cả hai?

Cập nhật 10/03/2008 08:00

Trong lúc chủ trương cho lập dự án nhà máy thép khổng lồ tại bán đảo Hòn Gốm, phía bắc Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) - nơi đã được qui hoạch phát triển cảng trung chuyển quốc tế, du lịch sinh thái, đô thị dịch vụ tài chính thương mại - thì dư luận vẫn tiếp tục đặt câu hỏi: Lợi hay hại?

Xung quanh câu hỏi nóng bỏng trên, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ những người có trách nhiệm và am hiểu trong lĩnh vực này.

Ông Bùi Mau (chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa): Còn thiếu sự phản biện khách quan

Khánh Hòa trong những năm qua đã triển khai thực hiện nhiều dự án. Trong đó có những dự án nằm trong khu vực danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang - một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; những dự án đã và đang chuẩn bị cho đầu tư vào vịnh Vân Phong, kể cả dự án nhà máy thép và nhiệt điện than của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đang có rất nhiều ý kiến lo ngại. Vậy mà từ trước đến nay chưa có một dự án nào triển khai ở tỉnh này có sự tham gia tư vấn, phản biện đúng nghĩa của các nhà khoa học, các hội khoa học hoặc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa.

Mặc dù Chính phủ đã có các qui định về tổ chức thực hiện phản biện xã hội và Khánh Hòa có các hội khoa học, qui tụ đông đảo hội viên có trình độ chuyên ngành thuộc nhiều lĩnh vực, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần kiến nghị, đề nghị tổ chức cho các nhà khoa học tham gia phản biện nhưng tới nay văn bản kiến nghị đó còn nằm trên bàn của lãnh đạo UBND tỉnh...

PGS.TS  Nguyễn Chính (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3): Sẽ tác động môi trường tới tận đáy biển

Tôi đã nhiều lần đi thực tế và nghiên cứu môi trường thủy sản tại vùng vịnh Vân Phong. Phải nói đó là một vùng vịnh rất giàu tiềm năng sinh thái biển đa dạng. Trong đó các tiềm năng động - thực vật biển không chỉ có giá trị trong lĩnh vực hải sản, mà còn góp phần tạo nên sự phong phú cho môi trường biển. Đó cũng chính là một phần rất quan trọng trong giá trị to lớn về tiềm năng du lịch sinh thái môi trường biển của vùng vịnh Vân Phong mà nhiều tập đoàn khai thác kinh doanh du lịch nổi tiếng trên thế giới đánh giá cao.

Việc triển khai những dự án lớn, như dự án nhà máy thép và nhiệt điện than của Posco, chắc chắn sẽ gây ra những tác động ghê gớm đối với môi trường biển của khu vực vịnh Đầm Môn - Vân Phong. Bởi những chất thải, nhất là các loại chất thải rắn, chất thải có hại trong quá trình hoạt động của nhà máy thép, nhà máy nhiệt điện than của của Posco, khó có thể bịt kín, tự tiêu tự hủy hay ngăn chặn được toàn bộ.

Đó sẽ là nguồn gây tác hại rất lớn đối với các loài động - thực vật biển ở đây. Khi đó không chỉ gây nên khổ sở, đói nghèo cho những ngư dân vốn đang sống nhờ vào môi trường biển, mà cả cảnh quan sinh thái du lịch cũng bị thiệt hại.

Ông Mai  Văn Phúc (tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines): Chỗ chưa mở cảng có thể làm thép

Trao đổi với Báo giới, ông Phúc cho biết Vinalines vẫn đang chuẩn bị để khởi công lại việc xây dựng cảng Vân Phong. Hiện tại đang triển khai san lấp mặt bằng để khởi công xây dựng cảng vào cuối tháng 5-2008. So với phương án ban đầu trước khi có dự án nhà máy thép liên hợp Posco - Vinashin thì dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế (TCQT) giai đoạn đầu không phải điều chỉnh gì cả. Ông Phúc cho biết thêm:

Với phương án về vị trí xây dựng nhà máy thép do Posco - Vinashin đưa ra thì qui hoạch tổng thể hiện hữu của cảng Vân Phong không bị ảnh hưởng gì cả. Còn giai đoạn tiềm năng của cảng có thể 30 hoặc 50 năm sau mới thực hiện.

Nguyện vọng của Posco - Vinashin xây dựng nhà máy thép ở Vân Phong để tăng khả năng nội địa hóa ngành thép của chúng ta,  đồng thời phát triển ngành thép. Tôi cho rằng đây cũng là ngưỡng lợi ích cần phải tính đến. Khi có nhà máy thép thì đây cũng là trung tâm cung cấp hàng hóa và dịch vụ để cho cảng hoạt động nên đó cũng là điều tốt.

Nhà máy thép cũng giải quyết vấn đề lao động, dịch vụ giúp cả hàng hải phát triển.

Nhưng nhiều ý kiến lo ngại việc xây dựng nhà máy thép phải san lấp nhiều diện tích mặt nước và chất thải của nhà máy làm bồi lấp cảng?

Đấy là vấn đề môi trường, không thuộc phạm vi của Vinalines. Thủ tướng cũng đã nói rõ Posco - Vinashin phải cam kết đảm bảo công nghiệp thép không ảnh hưởng đến môi trường. Trong trường hợp cam kết rồi mà để ảnh hưởng tới môi trường thì có thể thu giấy phép ngay.

Ông Lê Vũ Khánh (chuyên gia về cảng biển): Không thể vừa có cảng trung chuyển vừa có nhà máy thép

Tôi không tán thành một số ý kiến phát biểu rằng có thể kết hợp đưa cả hai dự án cảng TCQT và nhà máy thép ở cùng trên một diện tích mặt đất, mặt nước Vân Phong. Bởi vì khác với một cảng thông thường chỉ gồm có cầu cảng và kho bãi, cảng TCQT là đầu mối thương mại của một quốc gia ra thế giới bên ngoài nên thường gồm những phân khu gắn kết với nhau như cầu cảng, kho bãi, khu ngoại quan, khu chế xuất, chế biến, gia công, sản xuất, công nghiệp phụ trợ, rồi khu vực thương mại, dịch vụ tài chính, ngân hàng, dân cư và các dịch vụ khác, vì thế cần cả một diện tích mặt đất rộng lớn. Nếu có dự án thép như trên thì không còn đủ mặt bằng cho các phân khu đó.

Dù có đủ mặt bằng đi nữa thì thường các phân khu trên của một cảng TCQT, đặc biệt là những khu vực dịch vụ cao cấp như thương mại, tài chính, ngân hàng, dân cư..., không ở liền với khu vực công nghiệp nặng, gây ô nhiễm, nhất là một dự án như nhà máy luyện thép.

Nếu xây nhà máy thép thì phần diện tích còn lại chỉ còn đủ để xây một vài cầu cảng đơn lẻ do nhà máy thép và các cầu cảng của họ nằm giữa, xen kẽ với các cầu cảng khác và vì thế không thể nào hình thành nên được một cảng TCQT hay một Khu kinh tế mở Vân Phong như mong đợi.

Một cảng TCQT cần đủ diện tích mặt đất để các cầu cảng có thể liên thông được với nhau, từ đó tối ưu hóa được việc sử dụng chiều dài bến cảng cho các cỡ tàu khác nhau cập bến, đồng thời giảm thiểu chi phí vận tải hàng nội cảng mà đó cũng chính là những yếu tố quan trọng thu hút các hãng tàu lớn đưa tàu ghé vào cảng, tạo nên cảng TCQT.

Khi đó, Vân Phong cũng sẽ chỉ là một cảng nhỏ như những cảng bình thường khác mà thôi, chứ không còn đủ tầm để gánh vác được trách nhiệm của một cảng TCQT, là đầu mối giao thương của VN với thế giới.

Về vị trí xây dựng nhà máy thép, trước đây tỉnh Khánh Hòa đã giới thiệu cho Posco một khu vực khác nằm ở phía nam vịnh Vân Phong, nhưng phía Posco chỉ muốn đầu tư vào chính giữa bán đảo Hòn Gốm, chiếm mặt bằng của dự án cảng TCQT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qui hoạch.

Cục Hàng hải VN, là cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải, cũng đã có ý kiến chính thức đề nghị nhà máy thép này nên xây ở khu vực cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), nơi cũng có đủ điều kiện về cảng biển để phục vụ dự án thép, đồng thời gần với mỏ sắt Thạch Khê, hẳn cũng là một đề xuất thấu tình.

Tôi cũng đã phát biểu quan điểm của cá nhân tôi về việc dự án nhà máy thép này, nếu nhất thiết cứ phải xây dựng ở khu vực vịnh Vân Phong thì nên đặt ở vùng phía nam vịnh, nơi đã có Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinashin - Hyundai, cũng của Hàn Quốc.

Nhà máy này đang gây ô nhiễm nặng nề và vì thế khi đưa dự án nhà máy luyện thép này về đây, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường đồng thời cho cả khu vực, tránh tình trạng một nhà máy sửa chữa tàu biển gây ô nhiễm vùng phía nam vịnh và nhà máy thép gây ô nhiễm phía bắc vịnh thì toàn vùng sẽ bị ô nhiễm nặng. Khi đó, không chỉ nhà máy thép chiếm diện tích mặt bằng của cảng TCQT mà còn gây ô nhiễm ảnh hưởng tới tất cả các ngành kinh tế khác, nhất là nuôi trồng thủy sản và du lịch.

Theo Tuổi Trẻ