Những ngày qua giới kinh doanh bất động sản xôn xao vì gói 30.000 tỷ đồng bị tắc nghẽn do một quy định mới của Bộ Xây dựng. Thực hư ra sao?
Ngưng trệ
Khác biệt với không khí hoan hỉ của năm 2014, qua ghi nhận tại các dự án địa ốc liên quan đến gói 30.000 tỷ đồng, một không khí nặng nề bao trùm.
Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Anh Sài Gòn cho biết, năm ngoái công ty nhận phân phối cho một số dự án nằm trong gói 30.000 tỷ đồng, mãi lực rất tốt. Chốt lại năm rồi công ty đã làm cầu nối cho gần 1.000 căn hộ tìm được chủ nhân. Trái ngược với tình cảnh này, hiện nay có hơn 100 bộ hồ sơ của khách hàng trả lại vì ngân hàng không giải ngân theo quy định mới.
Việc bán căn hộ nhà ở xã hội tại dự án Easter trở nên khó khăn sau quyết định mới của Bộ Xây dựng.
|
Điều này cũng ghi nhận tại dự án Easter City, huyện Bình Chánh do Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư. Trước tết năm ngoái, Công ty cổ phần Nam Tiến phấn khởi khi được phân phối hơn 100 căn nhà ở xã hội của dự án, cơ sở để thành công là khách hàng được vay gói 30.000 tỷ đồng. Sau khi đổ công sức quảng bá, sửa sang lại bộ mặt dự án, bắt đầu bán được kha khá. Tuy nhiên, niềm vui chưa lâu, ông Trần Đức Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Tiến, than thở: “Từ khi có quy định mới, tỷ lệ “rớt” giải ngân cho vay chiếm 50%! Trước đây không quy định thẩm định nguồn chứng minh thu nhập, bao nhiêu cũng được, miễn sao càng nhiều càng tốt để trả cho ngân hàng là được, nói chung dễ dàng thẩm định cho vay. Nay thu nhập cao sẽ không vay được, còn người thu nhập dưới 9 triệu đồng thì ngân hàng lại nhận định khoản này dành lo cho vợ chồng con cái hết mất, lấy đâu trả nợ. Vậy là “đẻ” tiếp một phương án mới, phải có nhà đồng tài trợ để trả nợ, tức từ bố mẹ hoặc anh chị em ruột. Nhưng khổ nỗi, bố mẹ già lấy nguồn đâu trả, còn anh chị em đang đi học thì lấy gì để đồng tài trợ? Vậy là tiếp tục bế tắc”. Tổng hợp từ Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng ghi nhận việc giải ngân “thực tế đang chậm lại, đứng lại!”.
Đã thu nhập thấp thì không thể vay!
Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu? Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, việc này xuất phát từ Văn bản 395 “hướng dẫn triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở…” do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam ký ngày 3-3-2015. Theo đó, tại mục 1 ghi rõ: “Khái niệm người lao động có thu nhập thấp… là không phải đóng thuế thu nhập cá nhân”. Điều này được hiểu như sau: Người không phải đóng thuế thu nhập cá nhân là mỗi tháng có thu nhập không quá 9 triệu đồng. “Ngay lập tức các ngân hàng có văn bản hướng dẫn thực thi quy định của Bộ Xây dựng! Quy định mới dẫn tới gói vay 30.000 tỷ đồng bị ngưng trệ”, ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Ông Đoàn Chí Thanh dẫn chứng về một dự án tại phía Tây thành phố. Căn hộ nằm trong gói 30.000 tỷ đồng có tổng thanh toán 1 tỷ đồng, thanh toán trước 30%, số còn lại 700 triệu đồng. Nếu tính tròn thời gian khách hàng phải trả là 15 năm tương đương 180 tháng, cộng với lãi 5%/năm thì mỗi tháng phải trả lãi và vốn gần 7 triệu đồng. Nếu quy định thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng, trừ đi tiền thuê nhà, tiền ăn và các chi phí khác, chắc chắn khách hàng này sẽ không đảm bảo được số tiền phải trả như đã tính toán. Vì phương án trả nợ không có nên ngân hàng không cho vay là đương nhiên. Ông Đoàn Chí Thanh nhận xét, không hiểu lý do gì Bộ Xây dựng đi vào vòng luẩn quẩn như vậy: Trước đây gói 30.000 tỷ đồng bị tắc, ngày 31-10-2013 Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam ký ban hành Thông tư 18 hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn khẳng định “không yêu cầu phải xác nhận về thu nhập”, nhờ đó sự việc cơ bản được suông sẻ. Nhưng sang tới văn bản mới này cũng do Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam ký ban hành, lại xác định đối tượng là “không phải đóng thuế thu nhập cá nhân”, dẫn tới sự việc gần như tắc tị.
Ngay lập tức, Hiệp hội Bất động sản TPHCM có hai văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng nêu thực tế: Việc ban hành Văn bản 395 có thể gây tác động rất lớn, ách tắc, ảnh hưởng đến tiến độ xét duyệt và kết quả giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng. Đến nay có 15 ngân hàng tham gia thực hiện nhưng kết quả chỉ đạt hơn 20% là quá chậm, không đạt như kỳ vọng hỗ trợ người thu nhập thấp có nhà, trong khi chỉ còn một năm nữa, ngày 1-6-2016, gói tín dụng sẽ hết hạn.
Trong khi đó, văn bản trả lời do Cục trưởng Cục Quản lý nhà Nguyễn Mạnh Hà (ký ngày 15-5-2015) lại nêu sự thật hoàn toàn trái ngược: “Kết quả giải ngân tăng nhanh theo từng tháng, để đạt được kết quả như trên, Bộ Xây dựng đã phối hợp rất chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng được giao triển khai thực hiện đã có nhiều cố gắng, thực hiện đúng các quy định, nhằm giảm thiểu việc trục lợi từ chính sách…”.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP