Top

Sốt mua bán phiếu đất tái định cư

Cập nhật 11/10/2010 08:40

Mua bán, chuyển nhượng phiếu đất tái định cư (TĐC) đang nở rộ tại Đà Nẵng. Tuy hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro song Đà Nẵng vẫn chưa có quy định cấm việc mua bán suất TĐC.


Đất tái định cư các khu đắc địa như đường Nguyễn Văn Linh nối dài được rao bán với giá 5 tỷ đồng/1 phiếu. Ảnh: Nguyễn Huy.

Từ "mạng" đến "cò"

Không khó để tìm thông tin về thị trường phiếu đất TĐC Đà Nẵng trên mạng internet. Có đến cả trăm phiếu đất TĐC ồ ạt rao bán trên mạng. Nguyễn H., một đầu mối thu gom phiếu đất TĐC Đà Nẵng, rao bán 100 phiếu đất TĐC tại các khu An Cư, phía Nam Nguyễn Văn Thoại, bến xe, Bắc Mỹ An… với giá từ 200 đến 400 triệu đồng/1 phiếu.

Liên lạc qua điện thoại, H cho hay: số lượng này đã được bán hết chỉ trong vòng 3 - 4 ngày đăng tải trên mạng. Hiện chỉ còn một số phiếu đất TĐC phía bến xe trung tâm nhưng muốn mua phải chờ H kiểm tra lại thông tin vì cũng có thể đã được bán hết.

Chúng tôi tìm đến một cò phiếu đất TĐC tên Tr. “Văn phòng” của Tr. nằm sâu trên kiệt 257 đường Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng). Tr. đon đả: anh trai làm ngành xây dựng nên biết nhiều suất TĐC. Muốn mua bao nhiêu cũng có. Nhưng sẵn có là suất TĐC Đông Hải. “Mới tuần trước họ trả 350 triệu/1 suất tôi chưa bán. Giờ có việc cần nên bán gấp, phiếu này còn nợ tiền đất 85 triệu đồng thôi, trả hết làm sổ đỏ liền”, Tr. nói.

Theo Tr., mua bán phiếu đất TĐC đang là kênh đầu tư được nhiều người săn lùng và mau sinh lời nhất nên không dễ tự tìm mua nếu không thông qua dịch vụ. Ngay các khu TĐC đang hình thành như khu Bá Tùng, làng ĐH Đà Nẵng, các “phiếu trắng” (mới phát phiếu, chưa bốc thăm phân lô) đã được giới đầu tư thu gom hết khiến giá bị đẩy từng ngày. Hiện mỗi phiếu có giá 400 triệu đồng.

Qua các văn phòng nhà đất, dịch vụ nhà đất trên đường Núi Thành, Phan Đăng Lưu, Lê Văn Hiến… không khó để mua phiếu đất TĐC. Đặc biệt, không chỉ có cò đất nghiệp dư đi gom mà ngay cả các sàn giao dịch BĐS cũng cập nhật và rao bán phiếu đất.

Theo anh Minh, người làm dịch vụ nhà đất trên đường Núi Thành, sở dĩ hoạt động mua bán phiếu đất TĐC sôi động vì Đà Nẵng có nhiều dự án quy hoạch, chỉnh trang đô thị kéo theo nhiều hộ phải giải tỏa, bố trí đất TĐC. Hơn nữa, do thủ tục không phức tạp nên việc mua, bán phiếu đất TĐC diễn ra thường xuyên.

Tiềm ẩn rủi ro

Khác với một số địa phương như TP HCM ban hành quy định siết hoạt động mua bán phiếu đất TĐC, tại Đà Nẵng ngay từ đầu không cấm hoạt động này. Ông Nguyễn Văn Cán - Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, việc mua bán phiếu đất là do nhu cầu của người dân, thành phố không quản lý.

Theo ông Nguyễn Hồng Song - Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Hải Châu, thủ tục sang tên đổi chủ cho các hộ mua bán phiếu đất TĐC không quá phức tạp. Chủ suất TĐC chỉ cần giao cho người mua một phiếu cấp đất, sau đó ra phòng công chứng làm thủ tục ủy quyền, ra phường làm thủ tục chuyển đổi tên. Nếu nộp đủ tiền nợ đất sẽ được làm sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Luật sư Đỗ Pháp - Trưởng văn phòng luật sư Đỗ Pháp (Đà Nẵng) cũng cho hay, giấy ủy quyền mua bán phiếu đất TĐC là một sáng kiến của Đà Nẵng. Tuy nhiên, điều này đem đến những rủi ro. Đã ủy uyền mua bán thì liên quan đến người được ủy quyền, thời gian thực hiện...

"Việc mua bán phiếu đất tái định cư là do nhu cầu của người dân. Nhiều hộ được vài ba phiếu, không sử dụng hết nên có thể ủy quyền, bán, chuyển nhượng để lấy tiền trả tiền nợ đất, xây dựng nhà cửa... Không có chuyện do khó khăn quá, các hộ giải tỏa phải bán phiếu đất tái định cư." - Ông Nguyễn Văn Cán - Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng
Thực tế, tại Đà Nẵng có nhiều trường hợp kiện cáo liên quan đến hợp đồng mua bán phiếu đất TĐC. Theo các chuyên gia BĐS, rủi ro có thể xảy ra trong trường hợp người bán lô đất đó là người nhận thừa kế nên phải có giấy xác nhận của người đồng thừa kế; hay trường hợp phiếu đất TĐC không hợp lệ, bị thu hồi...

Anh Bùi Dương Quang (33 tuổi, trú quận Sơn Trà) mua suất đất TĐC từ năm 2007 không khỏi ngán ngẩm vì thủ tục trả tiền nợ đất, ra sổ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đều ghi tên của người đã bán mà chưa thể ghi tên người mua. “Nộp đủ tiền nợ rồi, tôi phải năm lần bảy lượt đến nhờ chủ cũ cùng đến phường chuyển đổi tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu chủ cũ không thiện chí chắc mình sẽ vất, thậm chí tiền mất tật mang” - anh Quang nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong