Với việc Việt Nam gia nhập WTO, dự kiến trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tập đoàn bán lẻ thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Điều này góp phần kích thích và làm tăng nhu cầu về diện tích thuê trong các khu trung tâm thương mại và bán lẻ.
Tuy nhiên, hiện nay, lượng cung mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam còn hạn chế. Do đó, cùng với sự gia tăng mạnh về cầu thì giá cho thuê mặt bằng cũng sẽ tăng hơn.
Hấp dẫn các nhà bán lẻ trên thế giới
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, kinh doanh bán lẻ tăng với tốc độ trung bình khoảng 23%/năm. Theo đánh giá về sự phát triển thị trường bán lẻ toàn cầu của công ty tư vấn thị trường bán lẻ A.T. Kearney - USA vừa được công bố, Việt Nam xếp thứ 4/30 quốc gia hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ nước ngoài.
Tỷ lệ tiêu dùng trên thu nhập của người Việt Nam thuộc loại cao nhất ở Đông Nam Á. Người Việt Nam tiêu dùng trung bình khoảng 70% thu nhập hàng tháng. Thu nhập trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng, trong đó nhóm có tốc độ tăng thu nhập nhanh nhất trong khoảng 500-1.000 USD/tháng.
Mặc dù hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam còn thấp, chỉ trên 600 USD/năm, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng thu nhập đến 15%/năm. Hơn nữa, lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng và mức độ chi tiêu của họ cũng ngày càng cao là những cơ sở khiến thị trường bán lẻ tại Việt Nam được nhìn nhận là sẽ bùng nổ trong tương lai.
Với triển vọng tốt đẹp của lĩnh vực này, các nhà bán lẻ nước ngoài đang rất chú trọng đến thị trường Việt Nam và luôn có nhu cầu cao về mặt bằng để tiến hành kinh doanh, đặc biệt ở các trung tâm mua sắm và các khu phố trung tâm, nhu cầu mặt bằng tại khu thương mại cao cấp sẽ rất lớn. Trong thời gian tới, các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia, các nhà bán lẻ, nhà phân phối nước ngoài sẽ đến Việt Nam nhiều hơn.
Nhiều công ty trong nước, công ty đa quốc gia hiện đang có mặt tại Việt Nam sẽ thành lập hoặc mở rộng hệ thống phân phối. Nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm chuyên doanh sẽ mở cửa. Họ sẽ luôn trong tình trạng thiếu mặt bằng để hoạt động. Một mặt do nguồn cung diện tích cho thuê các trung tâm thương mại đang rất hạn chế; mặt khác, mức độ đầu tư xây dựng trung tâm thương mại ở Việt Nam hiện nay thấp.
Hiện tại, Tp.HCM có ít nhất 7 trung tâm thương mại với hơn 8.000 m2 tổng diện tích cho thuê; Hà Nội có 6 trung tâm thương mại có quy mô lớn với tổng diện tích sàn cho thuê khoảng 41.000 m2. Mức giá thuê tại các trung tâm này khá cao: từ 20-100 USD/m2/tháng. Giá thuê cao như vậy nhưng do diện tích cho thuê không lớn nên công suất cho thuê tại các trung tâm này cũng rất cao, có nơi đạt tới 95%.
Nhu cầu mặt bằng, diện tích mặt sàn gia tăng
Theo công ty tư vấn, quản lý bất động sản CBRE, nguồn cung diện tích sàn (tại các trung tâm thương mại tập trung ở Việt Nam) dành cho thị trường bán lẻ sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Từ nay đến năm 2010, Việt Nam có thêm hàng chục trung tâm thương mại đi vào hoạt động. Tp.HCM sẽ có hơn 100.000 m2 diện tích sàn dành cho trung tâm thương mại tập trung đang được quy hoạch hoặc đang xây dựng. Hà Nội sẽ có tới 250.000 m2 sàn dành cho cùng mục đích trên.
Có thể kể một số tòa tháp sắp được xây dựng ở Hà Nội như: Ciputra Mall, Hanoi City Complex, Viet Tower... Trung tâm Ciputra Mall được đánh giá đẹp nhất và lớn nhất Hà Nội với tổng diện tích 130.000 m2 sàn và khoảng 1.200 gian hàng và 48 nhà hàng, cafe, siêu thị... Tuy nhiên, những bổ sung đó chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Tập đoàn bất động sản Savills nhận định: những yếu tố tác động đến thị trường bán lẻ của Việt Nam như nền kinh tế đang phát triển nhanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, dân số trẻ (đối tượng có nhu cầu mua sắm lớn), sự gia tăng tầng lớp trung lưu... là cơ sở vững chắc hứa hẹn đem lại lợi nhuận cho thị trường bán lẻ tại nước này.
Doanh thu và lợi nhuận đem lại từ trung tâm thương mại rất cao nên giá cho thuê tại các trung tâm thương mại cũng cao và luôn có xu hướng tăng. Đến nay, giá cho thuê mặt bằng bán lẻ tại quận Hoàn Kiếm đã đạt tới mức 130 USD/m2, bằng với giá thuê diện tích tại cửa hàng lớn ở Thái Lan.
Chính vì thế, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ sẽ còn tiếp tục leo thang và giá thuê sẽ còn tiếp tục tăng ít nhất cho đến năm 2008. Sau đó, hy vọng với nguồn cung mới, giá cho thuê có thể trở nên ổn định và giảm nhẹ. Về lâu dài, các nhà bán lẻ cũng cần cân nhắc việc thuê địa điểm kinh doanh nằm ngoài trung tâm thành phố thay vì tiếp tục trả giá cao cho những vị trí đắc địa. Qua đây cho thấy, Việt Nam là một thị trường nhiều tiềm năng để đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo Huyền Ngân - VnEconomy