Top

Sẽ xóa nhiều hẻm “treo”

Cập nhật 15/06/2007 10:00

Nhiều con hẻm ở TP.HCM đã qui hoạch mở rộng “treo” nhiều năm nay sẽ “co” lại. Hẻm nhánh thông với hẻm khác thành hẻm chính có thể không phải mở rộng 6m như qui định.

Sáng 14-6, các quận huyện, sở ngành liên quan đã họp góp ý lần cuối dự thảo qui định về lộ giới và quản lý đường hẻm trong các khu dân cư hiện hữu trên địa bàn TP.HCM. Dù đây là dự thảo lần thứ sáu nhưng vẫn còn nhiều ý kiến góp ý.

Theo Sở Qui hoạch-kiến trúc TP, việc qui định lộ giới hẻm tại các khu dân cư hiện hữu căn cứ nhu cầu về giao thông, thoát hiểm, bố trí hệ thống điện, cấp thoát nước; nhằm phục vụ việc cấp giấy chứng nhận nhà đất, cấp phép xây dựng...

Hẻm nào đã phù hợp thì giữ nguyên

Theo qui định, hẻm phải có lộ giới nhỏ hơn 12m, trong đó hẻm chính có lộ giới tối thiểu là 6m, hẻm nhánh và hẻm cụt lộ giới tối thiểu là 3,5m và chiều dài tối thiểu có thể nhỏ hơn 25m. Riêng lối đi chung cho phép lộ giới nhỏ hơn 3,5m nhưng không nhỏ hơn 2m...

Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 11 cho rằng qui định không nên cứng nhắc mà linh động để áp dụng cho nhiều khu vực khác nhau. Ở quận 11 hiện có hơn 1.400 con hẻm, nhiều hẻm chính lộ giới chỉ 4m và tồn tại từ trước giải phóng. Nếu mở hẻm để đảm bảo theo đúng qui chuẩn sẽ giải tỏa nhiều hộ dân, chưa kể kinh phí đền bù phải áp dụng theo giá thị trường nên rất khó thực hiện. Cán bộ này đề xuất chỉ nên điều chỉnh qui hoạch hẻm không khả thi, còn những qui hoạch hẻm khả thi nên giữ như cũ. Điều chỉnh tất cả con hẻm cũng gây xáo trộn cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến việc cấp giấy chủ quyền nhà đất.

Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Nguyễn Quốc Hùng băn khoăn, căn cứ theo qui định trên, tại Bình Thạnh có một số hẻm hiện là hẻm nhánh. Nhưng sắp tới giải tỏa nhà dân, thông với hẻm khác thì trở thành hẻm chính. Theo qui định, hẻm chính tối thiểu là 6m, vì vậy phải mở rộng thêm nữa.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, những trường hợp như quận Bình Thạnh nên giữ là hẻm nhánh, vì giải tỏa nữa sẽ ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Ông gút, tinh thần cái nào phù hợp thì giữ nguyên, cái nào trước đây công bố mở rộng lộ giới lớn nhưng tính khả thi không cao thì “co” lại. Ở khu vực qui hoạch kéo dài mà chưa triển khai, dân có yêu cầu cũng nên xem xét điều chỉnh.

Nhà hai mặt hẻm

Ông Lê Quang Dũng, phó Phòng Quản lý đô thị quận Phú Nhuận, nói ở các quận nội thành cũ, nhiều căn nhà vắt ngang hai mặt hẻm nên ngoài cửa chính, người dân muốn mở thêm cửa hậu, lối thoát hiểm ở hẻm còn lại. Nhưng hiện nay chưa có qui định về vấn đề này. Vừa qua quận có giải quyết cho một số trường hợp mở cửa nhưng các hộ dân xung quanh không đồng ý, kiện ra tòa.

Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết nhiều trường hợp muốn mở cổng ra hẻm cụt, lối đi chung nhưng quận tìm các văn bản liên quan không thấy qui định chuyện này. Vì vậy quận yêu cầu hộ này phải có thỏa thuận với các hộ xung quanh mới được mở. Một tình huống khác là người dân có nhà quay mặt tiền ra hẻm này nhưng phía hông nằm ở hẻm khác. Khi hẻm phía hông nhà mở rộng lớn hơn thì những hộ này xin chuyển mặt tiền qua hẻm mới mở. Như vậy có giải quyết không? Nếu giải quyết cho đổi mặt tiền thì phải sửa lại số nhà.


* Hẻm dài dưới 25m lộ giới tối thiểu là 3,5m.

* Hẻm dài 25-50m lộ giới tối thiểu 4m.

* Hẻm dài 50-100m lộ giới tối thiểu 4,5m.

(Qui định trên áp dụng cho các tuyến hẻm không có trụ điện. Những nơi có mật độ dân cư cao hoặc dọc hẻm có trụ điện cần tăng thêm 0,5m lộ giới).

* Hẻm dài 100-200m lộ giới là 5m.

* Hẻm dài hơn 200m lộ giới tối thiểu 6m.

(Theo dự thảo của Sở Qui hoạch - kiến trúc)


Ông Lê Quang Dũng nói rằng giải quyết số nhà không khó, có thể “chen” vào các số hiện hữu bằng cách đánh thêm các chữ A, B, C…Nhưng về nguyên tắc, các hộ trên phải được tách thửa, tách hộ mới được cấp số nhà mới. Theo ông Tín, nên đưa nội dung này vào qui định về quản lý kiến trúc để ban hành trong thời gian tới.

Dù Sở Qui hoạch-kiến trúc gửi dự thảo qui định lộ giới hẻm để các quận huyện góp ý từ hai tháng qua nhưng đến nay mới 12 trong số 24 quận huyện có ý kiến. Ông Tín nói từ nay đến cuối tuần, những địa phương chưa góp ý thì tiếp tục gửi ý kiến, những địa phương không có ý kiến coi như đồng tình. Ông yêu cầu Sở Qui hoạch-kiến trúc tổng hợp các nội dung liên quan và trình UBND TP đầu tuần sau để ký, ban hành. “Các quận huyện thường kêu UBND TP làm chậm, nhưng khi gửi dự thảo góp ý thì nhiều nơi không làm trong khi chuyện này liên quan đến nhiều người dân, TP rất sốt ruột. Vì vậy TP không thể chờ nữa”, lãnh đạo UBND TP khẳng định.

PHÚC HUY


Hỏi dân

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín hỏi các quận huyện: cách làm qui hoạch hẻm lâu nay ra sao, có lấy ý kiến dân trước khi qui hoạch hẻm ? Một số quận cho biết không lấy ý kiến mà phòng quản lý đô thị trực tiếp tham mưu cho UBND quận ký ban hành. Ông Tín không đồng tình và đề nghị phải xem lại cách làm này. Nguyên tắc khi làm qui hoạch phải lấy ý kiến dân hoặc có thể thông qua các tổ chức đoàn thể, HĐND phường, quận.

Phó giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Chí Dũng cho rằng sắp tới điều chỉnh qui hoạch hẻm, việc lấy ý kiến dân là rất cần thiết. Nếu tất cả người dân đồng tình thì sẽ tiến hành, trường hợp còn một vài hộ chưa đồng tình thì nên giải thích, vận động để người dân hiểu



Hẻm 82 đường An Bình, Q.5 qui hoạch là 4m,
vì vậy phải mở thêm khoảng... 0,1m nữa - Ảnh: P.P.H.


Theo Tuổi Trẻ