Top

Quỹ đầu tư BĐS: Quan tâm đến các khoản nợ khó đòi và tài sản giải chấp

Cập nhật 16/10/2008 13:00

Thị trường bất động sản có dấu hiệu đóng băng cộng với động thái siết chặt việc giải ngân vốn vào bất động sản của ngân hàng đã khiến không ít nhà đầu tư lao đao.

Nguy cơ nợ khó đòi trong cho vay bất động sản là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, các tài sản đảm bảo là bất động sản cũng khó tránh được việc giải chấp, nếu tình hình thị trường chưa hết khó khăn.

Nhưng đây lại được xem là cơ hội cho nhiều quỹ đầu tư chuyên về bất động sản. Vậy chiến lược của họ ra sao là câu hỏi được PV đặt ra với ông Vũ Quang Hiển, Giám đốc đầu tư của Saigon Asset Management (SAM) kiêm Giám đốc đầu tư Quỹ Đầu tư bất động sản (VPH) do SAM quản lý.

* Thị trường bất động sản trầm lắng, cộng thêm dư chấn của khủng hoảng tài chính thế giới, vậy dự báo của ông về giá nhà đất trong thời gian tới cũng như ảnh hưởng đến VPH?



Ông Vũ Quang Hiển.

Theo tôi, thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng dài hạn do thiếu thanh khoản. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng cho vay vào lĩnh vực này kể từ đầu năm 2008 đến nay.

Dự báo, tiến độ xây dựng bị trì hoãn, chậm trễ và xu hướng các ngân hàng sẽ siết chặt khoản cho vay thế chấp bất động sản hơn đối với dự án bất động sản trung và dài hạn trong nước.

Ngoài ra, tình hình tài chính thế giới cũng ảnh hưởng chủ yếu đến tâm lý nhà đầu tư. Chính điều này phần nào làm giảm giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư, trong đó có SAM. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trường bất động sản Việt Nam sẽ hồi phục ở trung và dài hạn.

* Đây có phải là cơ hội được các quỹ chuyên đầu tư bất động sản quan tâm nhiều nhất vào lúc này, thưa ông?

Quả thực, đây là cơ hội mới mở ra cho các quỹ đầu tư bất động sản quan tâm đến thị trường nhà đất. Đáng chú ý là các khoản vay khó đòi trong danh mục nợ hoặc tài sản giải chấp mà nguyên nhân do khách hàng mất khả năng trả nợ vay cho ngân hàng. Việc giải chấp một số tài sản đảm bảo trong cho vay của ngân hàng là điều khó tránh khỏi, nếu thị trường tài chính vẫn còn khó khăn và bất động sản chưa tan băng.

* Liệu thị trường bất động sản đã chạm “đáy” và là thời điểm tốt để bỏ vốn đầu tư? Ông nhận định như thế nào về vấn đề này và VPH dự định gì cho kế hoạch giải ngân sắp tới?

Thị trường bất động sản ít bị ảnh hưởng bởi tâm lý nhà đầu tư hơn chứng khoán. Giá bất động sản cũng lệ thuộc nhiều vào yếu tố cung - cầu và tình trạng đầu cơ ở các thành phố lớn, trong đó đáng chú ý là TP. HCM và Hà Nội.

Nhưng theo tôi, chưa thể đánh giá thị trường bất động sản hiện đã chạm "đáy". Thị trường đang tự điều chỉnh do tác động của giới đầu cơ nhiều hơn là do quy luật cung - cầu. Thực tế, từ đầu năm 2008, giá bán căn hộ cao cấp giảm mạnh, chỉ phản ánh về tình trạng đầu cơ của phân khúc thị trường này hơn là phản ánh bức tranh chung về cung - cầu thực. Các thống kê cho thấy, thị trường bất động sản đang có sự chênh lệch quá lớn về cung - cầu.

Nhu cầu về nhà ở vẫn cao, nhưng nguồn cung còn hạn chế. Đây chính là nguyên nhân đẩy giá căn hộ chung cư tăng mạnh trong thời gian qua. Chúng tôi tin tưởng vào tương lai chiến lược đầu tư trung và dài hạn tại Việt Nam. VPH đã đầu tư thành công vào 3 dự án và 2 công ty tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Cần Thơ. Tính đến nay, VPH đã giải ngân trên 50% và dự kiến giải ngân đến 90% vốn vào cuối năm 2008.

* Trong bối cảnh hiện nay, VPH có sự thay đổi gì về cách chọn lựa các dự án bất động sản để đầu tư?

VPH sẽ điều chỉnh về chiến lược thoát vốn trong đầu tư. Chúng tôi chú trọng vào hiệu quả sử dụng vốn và dòng tiền dự án, đồng thời ưu tiên cho các khoản đầu tư có khả năng thoát vốn trước. Có nghĩa là, Quỹ sẽ ưu tiên đầu tư vào những dự án có tính thanh khoản cao để có thể thu hồi vốn nhanh.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán