Top

Dân khổ vì không được chuyển nhượng đất

Cập nhật 16/10/2008 01:00

50/195 hộ dân bị ách hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp đã gởi đơn khiếu nại đến chính quyền địa phương. Do nằm trong dự án Khu Công nghiệp - đô thị cảng Hiệp Phước nên toàn hộ diện tích 3.808 ha của xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè - TPHCM với trên 2.000 hộ dân đều trong diện quy hoạch.

Trên cơ sở kết luận của UBND TPHCM, cuối năm 2007, UBND huyện Nhà Bè có yêu cầu UBND xã Hiệp Phước “tạm dừng ngay việc giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại khu vực xã Hiệp Phước”. Hệ quả của lệnh cấm này là 195 hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của người dân đã bị ách lại, trong khi hồ sơ được nộp tại UBND xã trước thời điểm lệnh cấm có hiệu lực là ngày 20-11-2007.

Bỏ tiền tỉ mua được... 2 tờ giấy!

Cầm tờ đơn khiếu nại viết chưa ráo mực, chị Phạm Thị Chiêng (số 154/7 ấp 3, xã Hiệp Phước), người đứng tên cùng chồng là anh Nguyễn Văn Hòa mua 7.500 m2 đất của vợ chồng ông Lê Văn Lùng và bà Cao Thị Nhiên ở cùng ấp, ấm ức: “Nghe thông báo của xã, vợ chồng tôi chết đứng vì đã trả 2,5 tỉ đồng cho bên bán!”. Theo chị Chiêng, vợ chồng chị giao tiền làm 3 đợt cho bên bán và ngày 19-11 hợp đồng mua bán của hai bên đã được xã thụ lý. Sau đó, xã Hiệp Phước có thông báo hồ sơ chuyển nhượng bị ách lại vì huyện không giải quyết. “Không chết đứng sao được khi tụi tôi bỏ tiền tỉ ra mua đất mà giờ chỉ có hai tờ giấy lộn này, còn sổ đỏ đang bị cơ quan chức năng tạm giữ!”- chị Chiêng vừa nói vừa cho chúng tôi xem hai tờ hợp đồng mua bán giấy tay với chi chít dấu lăn tay của những người có liên quan.

Theo đơn khiếu nại, người dân viện dẫn việc cơ quan chức năng không cho chuyển nhượng đất nông nghiệp khi chưa có quyết định thu hồi đã vi phạm Luật Đất đai năm 2003.

Trong 195 hồ sơ bị ách lại, không ít hồ sơ có diện tích đất chuyển nhượng không dưới 1.000 m2. Đáng chú ý là trường hợp bà Nguyễn Thị D. (ấp 1) đã chuyển nhượng trên 24.000 m2 đất nông nghiệp cho ông Nguyễn Kỳ P. (quận 7) với giá bán ghi trong hợp đồng là 300.000 đồng/m2. Tính ra số tiền ông P. phải trả cho bà D. là 7,2 tỉ đồng. Một cán bộ thụ lý hồ sơ cho biết: “Nghe đâu bà D. đã nhận số tiền 6,4 tỉ đồng, còn 800 triệu ông P. giao kèo khi lấy sổ đỏ sẽ giao luôn. Khi nghe thông báo của huyện, ông P. sốt ruột nên thường xuyên lên xã hỏi thăm...”.

Xã kiến nghị, huyện không... hồi âm

Theo UBND xã Hiệp Phước, trước bức xúc của người dân, UBND xã đã có văn bản kiến nghị UBND huyện Nhà Bè tiếp tục cho người dân trong xã chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất trồng lúa hằng năm lên đất ở nằm trong khu dân cư hiện hữu khi người dân có nhu cầu thật sự. Xã cũng kiến nghị UBND huyện có ý kiến với UBND TP sớm cho giải quyết số hồ sơ chuyển nhượng đất mà người dân đã ký hợp đồng còn tồn đọng tại xã và huyện đã nhận hồ sơ, có biên nhận trước khi có lệnh tạm ngưng việc chuyển nhượng... Thế nhưng xã chờ hoài mà huyện chẳng... hồi âm!

Sổ đỏ bị giữ... làm tin

Không chỉ bên mua khóc dở mếu dở, bên bán đất cũng đứng ngồi không yên khi nhiều trường hợp bị bên mua giữ sổ đỏ để... làm tin. Bà Trần Thị Thu Vân (số 383/4 đường Trần Văn Tạo, ấp 3), kể: Bà đứng tên bán 5.000 m2 đất cho 5 người với giá 1,6 tỉ đồng. Cả 5 hồ sơ chuyển nhượng đều nộp tại xã trước ngày 20-11. “Nhưng không hiểu cớ gì chỉ có 4 hồ sơ được xã xác nhận, còn một hồ sơ bị loại và xã trả lời thời gian ký nhận sau ngày 20-11”. Do một hồ sơ bị loại nên bên mua chỉ trả cho bà Vân 1,5 tỉ đồng và trả lời rằng “100 triệu đồng còn lại treo đó”. Bi kịch hơn là bà Vân bị bên mua giữ sổ đỏ với diện tích trên 15.000 m2 đất nông nghiệp để làm tin, trong khi gia đình bà Vân đang rất cần chủ quyền nhà đất để thế chấp ngân hàng vay vốn làm ăn.

Bức xúc, đầu tháng 9-2008, bà Vân gởi đơn khiếu nại đến UBND xã Hiệp Phước nhờ xã can thiệp nhưng đến nay mọi việc vẫn... im lìm.


>Đẩy nhanh tiến độ dự án khu đô thị Cảng Hiệp Phước


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động