Top

Phát triển nhà ở xã hội: Chọn phương án nào?

Cập nhật 19/03/2009 14:35

Người lao động thiếu chỗ ở, trong khi có một thực tế là thu nhập bình quân rất thấp so với chi phí nhà ở. Điều đó cho thấy cần có sự đầu tư của Nhà nước để tạo bước đột phá về nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và đa số người lao động hiện nay.

Người lao động thiếu chỗ ở...

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, 1/3 trong số gần 2 triệu cán bộ, công chức, viên chức, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, chưa có chỗ ở ổn định phải ở ghép hộ, ở nhờ, ở tạm. Trong khi đó, tại các khu công nghiệp (KCN) mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn chưa có chỗ ở hoặc đang phải thuê chỗ ở tạm (giá thuê 50.000-150.000 đồng/người/tháng)...

Ngoài 3 nhóm đối tượng trên, tại khu vực đô thị vẫn còn hàng vạn hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế đang phải sống trong điều kiện chỗ ở không bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu. Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy hầu hết cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan TƯ đều có nguồn thu nhập từ tiền lương là chủ yếu. Khả năng tích lũy để chi cho nhà ở tối đa chỉ đạt khoảng 11,5% tổng thu nhập, một tỷ lệ rất thấp so với chi phí tiền nhà ở thực tế hiện nay. Còn với công nhân các KCN, trong mức thu nhập bình quân hằng tháng 1,2-2,0 triệu đồng/người, khoản chi tiêu dành cho thuê nhà ở tối đa 100.000-150.000 đồng/người/tháng.

Với mức thu nhập, chi tiêu và khả năng tích lũy nói trên, đại bộ phận những người lao động (gồm cả những đối tượng hưởng lương từ ngân sách, những đối tượng làm việc trong các thành phần kinh tế) đều rất khó có điều kiện để tạo lập chỗ ở của mình.

Ba hình thức phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp


Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, đối tượng thu nhập thấp và người nghèo đều cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để cải thiện chỗ ở qua ba hình thức. Một là, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp về tài chính như cấp vốn, cho vay ưu đãi hoặc bão lãnh về vốn đối với người mua hoặc thuê nhà ở. Hai là, Nhà nước hỗ trợ gián tiếp qua việc ưu đãi cho các DN đầu tư xây dựng nhà ở đi đôi với việc khống chế các tiêu chuẩn về căn hộ, về giá cho thuê, giá bán. Ba là, Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng chính sách xã hội theo hình thức bán trả dần hoặc cho thuê, thuê mua.

Theo Bộ Xây dựng, mỗi hình thức hỗ trợ nêu trên đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Hình thức thứ nhất có ưu điểm là Nhà nước không can thiệp trực tiếp với thị trường nhà ở, nhưng thủ tục cho vay phức tạp. Hình thức thứ hai khuyến khích tăng nhanh nguồn cung về nhà ở, nhưng có nhược điểm là phải hỗ trợ qua trung gian. Hình thức thứ ba có ưu điểm là Nhà nước có quỹ nhà ở thuộc sở hữu của mình để điều tiết thị trường, nhưng đòi hỏi Nhà nước hằng năm phải đầu tư và phải tổ chức bộ máy để thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý quỹ nhà ở này. Do đó, việc lựa chọn áp dụng hình thức hỗ trợ nào phụ thuộc vào điều kiện của từng loại đối tượng, cũng như tình hình và điều kiện cụ thể.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, giai đoạn hiện nay cần có sự đầu tư của Nhà nước để tạo bước đột phá về nhà ở xã hội. Bởi trên thực tế, các DN hầu như chỉ chú trọng phát triển các dự án nhà ở thương mại để bán cho các đối tượng có thu nhập cao và các hộ gia đình khá giả theo giá thị trường. Nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp không phải là mảng thị trường hấp dẫn do vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài, lãi suất thấp. Có DN đã từng ví quá trình đầu tư nhà ở xã hội giống như "đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ", dù có được hỗ trợ bằng cơ chế vay ưu đãi, miễn tiền sử dụng đất... Thực tế, Bộ Xây dựng đã nhiều lần đôn đốc, nhưng hầu hết các địa phương chưa lập quỹ phát triển nhà và dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại hoặc trích một phần tiền sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng tính toán, giai đoạn 2009-2015 cần đầu tư xây dựng khoảng 184.000 căn hộ, tương đương 9.580.000m2 sàn (hơn 26.000 căn, tương đương 1.365.000m2 sàn/năm), nhằm giải quyết chỗ ở cho khoảng 30% số hộ gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị. Tổng số vốn đầu tư khoảng 49.000 tỷ đồng. Bộ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ triển khai một số dự án thí điểm phát triển nhà ở xã hội.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới