Top

Phát triển khu vực sông Hồng: Lo ngại vấn đề di dân

Cập nhật 17/12/2008 08:49

Tại buổi hội thảo khoa học về quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội ngày 16-12, nhiều ý kiến chuyên gia tỏ ra lo ngại về vấn đề di dân, tái định cư 39.100 hộ dân tại đây.

Các chuyên gia về quy hoạch nói rằng quy hoạch phải tính đến việc đảm bảo cho người phải di dân, tái định cư đến nơi ở mới có cuộc sống ổn định và tốt hơn nơi ở cũ. Theo các chuyên gia, vấn đề trị thủy, xây dựng không đáng lo ngại vì các nhà khoa học có thể đảm đương được. Trong khi đó, vấn đề cần phải cân nhắc kỹ nhất là di dời dân cư vì gây ra sự thay đổi lớn trong cuộc sống người dân.

Theo tính toán của các nhà lập quy hoạch, khi dự án được triển khai, dự kiến công việc di dân kéo dài trong khoảng 12 năm. Quá trình di dân được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn đầu tiên sẽ tổ chức di dời các hộ dân tại khu vực điểm cuối dự án cầu Thăng Long; giai đoạn tiếp theo tiếp tục chuyển các hộ dân đoạn từ dự án cầu Thăng Long đến dự án cầu Thanh Trì; giai đoạn cuối di dời tiếp các hộ dân ở khu vực đoạn cầu Thanh Trì.

Chuyên gia Nguyễn Hoàn, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, nói rằng di dân là một vấn đề quá lớn và liên quan đến nhiều phương diện khác nhau của nền kinh tế. Trong tổng chi phí hơn 7 tỉ đô la Mỹ của dự án, chi phí dành cho bồi thường, tái định cư lên tới hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Hoàn thì không thể coi việc nhân dân nhận đủ tiền đền bù và nhận nhà để ở là xong công tác di dân, tái định cư.

Điều quan trọng là đến nơi ở mới có đảm bảo cuộc sống của người dân tốt hơn cũ hay không khi "cuộc sống ổn định" theo tiêu chí dự án đặt ra gồm nhiều lĩnh vực như có nhà để ở, có nghề nghiệp để làm, có thu nhập hàng ngày, con trẻ được học đúng trường lớp, người ốm đau được chữa bệnh, có chỗ vui chơi giải trí cho dân.

Quy hoạch di dời dân cư trú khu vực sông Hồng đưa ra hai phương án bồi thường cho đối tượng di dời: bồi thường trực tiếp bằng tiền mặt (đất hoặc nhà) và bồi thường gián tiếp (cung cấp chung cư cho thuê dài hạn). Theo ý kiến của một số nhà khoa học khác, người dân bị di dời sẽ lâm vào cảnh không nghề nghiệp khi mất đất. Đây cũng là thực tế đang diễn ra tại nhiều dự án đền bù, giải phóng mặt bằng.

Theo nhiều chuyên gia, nếu dự án quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội không tính đến một ý đồ toàn diện và cụ thể trong các phương án di dân, tái định cư sẽ khiến dự án khó khả thi.

Ông Hoàn cho rằng, để việc di dân, tái định cư khả thi thì ngoài sự kiểm soát của các cơ quan chức năng thì cần có sự kiểm tra, giám sát trực tiếp của nhân dân phải di dời, tái định cư.

Vấn đề di dân tái định cư hàng chục ngàn dân của dự án này cần được tách riêng ra thành một dự án được nghiên cứu độc lập với nhiều vấn đề liên ngành, liên vùng. Theo tiến sĩ Hoàn, có như vậy mới có thể thuyết phục được người dân hiện đang sinh sống ổn định trong khu vực dự án, tránh cách làm dân không chịu di dân tái định cư thì cưỡng chế tại một số dự án hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG