Quy hoạch thành phố Sông Hồng do tổ chuyên gia tư vấn Hàn Quốc - Việt Nam lập. |
Đào sâu lòng sông để thoát lũ và xây thêm đê kè cứng lòng sông là ý tưởng mà các nhà khoa học cho rằng, "không hiểu gì về thuỷ văn" của các nhà làm quy hoạch dự án sông Hồng.
Ngày 8.10, tại hội thảo lấy ý kiến lần 2 phản biện xã hội về tiêu thoát lũ và tác động của dự án quy hoạch khu vực sông Hồng - đoạn qua Hà Nội vừa được Liên hiệp các Hội KHKT VN tổ chức, nhiều ý kiến các nhà khoa học bày tỏ sự không đồng tình với cách làm thiếu cơ sở khoa học, cho một đề án sẽ liên quan đến đời sống của 17 vạn dân sinh sống hai bên bờ sông.
Dự án "chạy đua"
Ông Hoàng Đình Kỳ - thành viên Hội KHKT - không ngần ngại nói: Đây là dự án "chạy đua" để được phê duyệt, mà không làm rõ được vấn đề tối quan trọng là tiêu thoát lũ sông Hồng.
Theo ông, biện pháp trị thuỷ đào sâu lòng sông để thoát lũ là không khả thi, không giải quyết được vấn đề lụt lội, bởi sông Hồng là con sông hung dữ. Về mùa lũ, lượng phù sa lớn có thể sẽ lại bồi đắp thêm lòng sông, vùi lấp khối lượng đào đắp.
Việc đắp 4 đê, gồm 2 đê ngoài và 2 đê trong khu vực hơn 30km sông Hồng cũng không giải quyết được vấn đề thoát lũ mà chỉ càng làm bóp méo dòng chảy, khiến con sông càng hung dữ hơn. Ông cho rằng, thành phố không nên nóng vội chỉ vì muốn đổi đất lấy công trình.
Đồng thuận với quan điểm này, ông Nguyễn Thế Liên cho biết: Sông Hồng hung dữ chỉ sau sông Hoàng Hà (Trung Quốc) - đặc biệt đoạn từ Việt Trì về HN là nơi có địa tầng dữ dội nhất. Sông Hồng có đặc tính bên lở, bên bồi, tự thân đã hình thành nên những khúc quanh co, nơi phình ra, nơi thu nhỏ là phù hợp với kiến tạo dòng chảy. Khi quy hoạch trị thuỷ sông Hồng, các nhà quy hoạch chưa tính đến điều này.
Ông Phạm Văn Quang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất - Môi trường (Tổng hội Địa chất) lại lưu ý đến khía cạnh những đứt gãy địa chất dưới lòng sông. Qua nghiên cứu, cũng chỉ ra đoạn sông được quy hoạch có 2 đứt gãy khá nghiêm trọng, song báo cáo nghiên cứu của Tổ công tác sông Hồng đã bỏ qua từ cách đây 2 năm".
Ông Nguyễn Dy Niên - nguyên Cục trưởng Cục Đê điều - Phòng, chống lụt bão (Bộ NNPTNT) còn cảnh báo nguy cơ biến động về nguồn nước tưới tiêu khi can thiệp "thô bạo" vào sông Hồng. Đặc biệt, ông kiến nghị quy hoạch không được chặn 4 cửa lấy nước (Đan Hoài, Ấp Bắc, Liên Mạc và Xuân Quan (Bắc Hưng Hải) - được coi là 4 điểm "huyệt" đưa nước sông Hồng tưới tiêu cho đồng ruộng miền Bắc và không được làm biến dạng bãi giữa sông.
"Thiên nhiên hình thành bãi giữa sông Hồng như cái nêm chỉnh trị và điều tiết quy luật biến động của dòng chảy. Sự thay đổi hình thái bãi giữa sông sẽ làm thay đổi thế cân bằng mềm dẻo của dòng sông, có thể sẽ làm biến động toàn bộ các cửa lấy nước tưới, quyết định sự sống còn của nền nông nghiệp ĐBSH" - ông Niên nói.
Phải xét trong tổng thể quy hoạch Hà Nội mở rộng
"Trong điều kiện Hà Nội đã mở rộng thì khái niệm khu vực sông Hồng - đoạn qua Hà Nội được nghiên cứu như trong dự án (40km từ thượng lưu cầu Thăng Long xuống hạ lưu cảng Khuyến Lương) là chưa đầy đủ, chưa lấy căn cứ trên quy hoạch HN mở rộng" - TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị, người từng được giao phụ trách Tổ nghiên cứu quy hoạch sông Hồng - nhận xét.
Nếu xét trong tổng thể quy hoạch HN mở rộng thì quy mô dự án cũng phải thay đổi, thay vì nghiên cứu 40km đoạn qua HN, phạm vi nghiên cứu phải bao gồm 180km với lưu vực các sông Hồng, sông Đà, sông Đuống. Dự án cũng phải được xem xét trên khía cạnh đa mục tiêu.
Nhiều chuyên gia dự hội thảo cũng cho rằng, chỉnh trị sông Hồng và lập quy hoạch thành phố hai bên sông là hướng đi đúng để xoá đi một quy hoạch "vá víu" của HN hiện tại. Nhưng làm thế nào và như thế nào chính là những bài toán khó đang đặt ra trước các chuyên gia quy hoạch đô thị.
KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết: Hiện quy hoạch HN mở rộng đang được Bộ Xây dựng giao cho tổ hợp tư vấn nước ngoài lập dự án, vì vậy dự án quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng này cũng cần được rà soát lại theo định hướng quy hoạch chung của Hà Nội mở rộng thì mới giải quyết triệt để vấn đề quy hoạch, bên cạnh các vấn đề tiêu thoát lũ sông Hồng.
Theo ý tưởng của Dự án thành phố Sông Hồng, ngoài gia cố 33,8km đoạn đê qua HN hiện nay, sẽ xây dựng thêm một tuyến đê mới nằm sát lòng sông có chiều dài hơn 40km. Phương án chỉnh trị lòng sông của tổ tư vấn dự án cũng đưa ra mức nạo vét lòng sông hằng năm là 21,3 triệu mét khối. Theo ông Trần Nhơn - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng, đây là con số gần như vô nghĩa vì mỗi năm, lượng phù sa sông Hồng lên tới gần 100 triệu mét khối, nếu nạo vét ở địa phận HN thì phần nạo vét cũng sẽ được nhanh chóng lấp đầy.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động