Đậu ôtô trên vỉa hè phải đóng phí. Trong ảnh: Điểm đậu xe ôtô trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Ảnh: TH |
TP.HCM sẽ có tổng cộng 559 đoạn đường được cấp phép sử dụng tạm vỉa hè, lòng, lề đường có thu phí.
“Chủ trương thu phí là hợp lý, tuy nhiên chỉ nên quy định mức phí trần thay vì cào bằng như trong dự thảo. Còn việc thu cụ thể như thế nào hãy để các quận, huyện tùy cơ ứng biến”. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng, lề đường (gọi chung là phí vỉa hè) của liên sở Giao thông Vận tải - Tài chính do UBMTTQ TP.HCM tổ chức sáng 7-10.
Chỉ nên định mức trần và sàn
“Mức phí được tính theo giá đất bình quân giữa các tuyến đường trong một quận là chưa hợp lý, bởi có nhiều tuyến đầu đường buôn bán được nhưng cuối đường lại không. Sở Tài chính nên đưa ra một mức phí tối đa rồi để cho các quận tự thu tùy vào thực tế từng nơi” - một người dân ở phường 1, quận 8 bày tỏ. Đại diện UBMTTQ quận 5 và quận 6 cũng cho rằng mức phí tuy không cao nhưng việc thu cào bằng trong một quận sẽ khiến những hộ buôn bán nhỏ thiệt thòi. Vì thế chỉ nên quy định mức phí trần và sàn rồi để các địa phương linh động thu.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Tạ Quang Vinh ghi nhận: “Chúng tôi cũng đã bàn đến phương án tính phí theo doanh thu đối với từng đối tượng nhưng phương án này rất phức tạp vì có hàng ngàn đối tượng khác nhau. Sở sẽ xem xét việc đặt ra mức phí trần để có những sửa đổi phù hợp”.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thu phí cao đối với các trường hợp sử dụng tạm vỉa hè, lòng, lề đường để thi công xây dựng, đậu ôtô, quảng cáo. Đại diện UBMTTQ phường 1, quận 3 đề nghị tăng gấp đôi mức phí sử dụng vỉa hè để thi công xây dựng và nên tính phí theo ngày. Thậm chí ông Nguyễn Thành Tứ (phường 6, quận 3) còn đề nghị tăng mức phí này lên gấp 10 lần, vì “việc thi công công trình vừa cản trở người đi bộ, vừa gây bụi, tiếng ồn làm ảnh hưởng đến người xung quanh”.
Ngoài ra, ông Tứ cũng cho rằng cần tăng gấp 1,5 lần mức phí sử dụng vỉa hè để quảng cáo, vì đây là dịch vụ thu lợi rất cao. Mức phí sử dụng vỉa hè, lòng, lề đường để đậu xe ôtô cũng phải tăng lên gấp đôi. Theo ông Tứ, “nên đánh phí cao đối với “nhà giàu” để bù lại mức phí mà người dân nghèo buôn bán kiếm sống nơi vỉa hè phải đóng”.
Về những đề xuất này, ông Vinh cho biết phí đậu ôtô đang được thu theo quy định của Bộ Tài chính, Sở không thể thu cao hơn được. Sở sẽ tách riêng phí sử dụng vỉa hè để quảng cáo ra khỏi dự thảo, vì giữa năm 2009 UBND TP đã có một quyết định riêng cho hoạt động này.
Thêm 342 đoạn đường có thu phí vỉa hè
Tại hội nghị, có nhiều ý kiến nhầm lẫn về việc thu phí vỉa hè đồng nghĩa với việc chỉ cần đóng phí là được sử dụng tất cả vỉa hè trên các tuyến đường. Ông Nguyễn Hoàng (phường 4, quận 5) lo ngại: “Ở khu phố tôi, hầu như vỉa hè nào cũng bị người dân chiếm dụng để buôn bán và họ chấp nhận bị phạt. Giờ nếu có cho thuê hết vỉa hè, họ cũng sẵn sàng thuê. Vì vậy, nếu áp dụng thu phí vỉa hè toàn TP thì không ổn, bởi không khéo sẽ khiến TP nhếch nhác thêm”.
Lý giải về việc này, ông Vinh khẳng định hiện UBND TP mới chỉ cho phép sử dụng tạm vỉa hè, lòng, lề đường để làm bãi giữ xe, kinh doanh, xây dựng công trình... ở 217 tuyến đường. Vì thế không có việc cứ đóng phí là đương nhiên được quyền sử dụng lòng, lề đường. Ông Hoàng Lê Quân, chuyên viên Phòng Quản lý giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải) cho biết thêm, qua khảo sát lần hai, Sở chuẩn bị trình UBND TP bổ sung thêm 342 đoạn đường được sử dụng tạm vỉa hè, lòng, lề đường. Trong đó có 160 đoạn đường được lập bãi giữ xe trên vỉa hè, 110 đoạn được buôn bán, kinh doanh và 72 đoạn được phép đậu ôtô. “Như vậy TP sẽ có tổng cộng 559 đoạn đường được cấp phép sử dụng tạm vỉa hè, lòng, lề đường có thu phí” - ông Quân lưu ý.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP