Đầu tư bất động sản hay phát triển bất động sản là một lĩnh vực phát triển cơ bản, và quá trình đầu tư là lâu dài. Do đó khi tham gia vào lĩnh vực này nhà đầu tư không chỉ cần phải có số vốn pháp định không nhỏ theo quy định của chính phủ, mà còn cần một tầm nhìn xa vào những sản phẩm mà doanh nghiệp sẽ đem đến cho thị trường.
Xác định sản phẩm mục tiêu
Đa số người dân Việt Nam đều có thu nhập thuộc vào hạng trung bình và thấp, mua nhà dựa vào thu nhập trên lương là chính. Để mua căn hộ trung bình giá khoảng 1 tỷ đồng/căn thì một gia đình có thu nhập hàng tháng khoảng 10 triệu đồng sẽ phải nhịn ăn-mặc-tiêu xài trong khoảng 10 năm mới mua được. Hoặc giả như mua nhà dự án được ngân hàng hỗ trợ vay lãi thì số nợ phải trả cũng kéo dài từ 10 đến 15 năm mới xong. Trong khi đó các điều kiện vay rất ngặt nghèo vì các ngân hàng xét khả năng tài chính của người mua nhà.
Trên cả nước có hàng trăm dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng chính sách, công nhân viên chức và những người có thu nhập trung bình thấp đã và đang triển khai nhưng tiến độ rất chậm chạp. Các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng đang gặp khó khăn chung về vốn. Ngoài ra thủ tục mua nhà ở xã hội là rất khó khăn vì số lượng hồ sơ đăng ký thì dài dằng dặc, phải chờ đợi rất lâu để đến lượt. Không những thế người đăng ký mua nhà ở xã hội còn phải trình rất nhiều loại giấy tờ mà để đi chứng thực những loại giấy tờ này lại là cả một quá trình gian nan.
Thời gian qua, khi bong bóng bất động sản bắt đầu xẹp xuống cũng là lúc chúng ta chứng kiến rất nhiều dự án nhà ở cao cấp lâm vào tình trạng khó khăn do không phù hợp với nhu cầu thị trường thực, các giao dịch trước đó đa phần là do nhà đầu tư làm giá đẩy giá trị bất động sản lên cao nhằm kiếm lời trong ngắn hạn. Khi ngân hàng siết chặt tài chính, các nhà đầu tư này không còn dễ dàng lướt sóng, ngay lập tức các dự án này rơi vào tình trạng đóng băng. Chủ đầu tư dự án đồng thời rơi vào tình trạng nợ nần, thậm chí phá sản.
Vấn đề xác định sản phẩm sao cho phù hợp với thị trường vì thế mà rất cần được nhà đầu tư xem xét kỹ lưỡng trước khi lựa chọn để đầu tư.
Đầu tư vào chất lượng sản phẩm
Vấn đề chất lượng xây dựng đang trở thành đề tài nóng hổi trong thời gian gần đây, nhiều dự án "căn hộ cao cấp" tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vừa mới giao nhà đã nứt, thấm nước, tường thì bong tróc... Người dân hết sức bất bình vì đã phải bỏ ra một số tiền rất lớn để mua nhà nhưng phải sống trong ngôi nhà không an toàn. Khi yêu cầu chủ đầu tư khắc phục thì họ lần nữa, còn tự chủ nhà đứng ra sửa chữa thì chủ đầu tư gây khó khăn, không cho sửa chữa.
Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp
Qua một số khảo sát gần đây, hầu hết những người có nhu cầu tìm mua nhà đều quan tâm đến uy tín của chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án trước khi tìm hiểu các sản phẩm trong dự án đó. Điều này phản ánh một thực tế là những người mua nhà đã biết chọn sản phẩm theo chiều sâu hơn thay vì chỉ đơn thuần mua sản phẩm ở những dự án được quảng cáo bay bướm nhưng năng lực chủ đầu tư lại không có.
Xây dựng uy tín thương hiệu doanh nghiệp là một quá trình bao gồm nhiều bước. Doanh nghiệp cần xác định sản phẩm mục tiêu rõ ràng, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công xây dựng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần phải xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, đưa ra những sản phẩm phù hợp thị trường tại mỗi thời điểm góp phần vào việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho xã hội.
DiaOcOnline.vn - Theo Saigonrealtime