Top

Nhà ở xã hội: Vẫn vướng vốn và quỹ đất

Cập nhật 11/01/2010 14:20

Dự kiến trong tháng 4/2010, Hà Nội sẽ nhận hồ sơ đăng ký thuê, thuê mua 800 căn nhà ở xã hội đầu tiên của thành phố tại khu đô thị Việt Hưng (Quận Long Biên).

Xung quanh vấn đề này phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

* Theo dự thảo quy chế thuê, thuê mua nhà ở xã hội, căn cứ để xét duyệt đối tượng thụ hưởng của Hà Nội, Sở Xây dựng sẽ cùng Sở LĐ,TB&XH xét duyệt danh sách sau đó trình UBND thành phố phê duyệt. Điều này có trái với Thông tư 36 của Bộ Xây dựng?

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Theo Thông tư 36, người muốn mua nhà, thuê mua nhà ở xã hội phải nộp đơn cho chủ đầu tư, đơn vị này sẽ xem xét hồ sơ và nộp danh sách cho Sở Xây dựng để kiểm tra. Sau 15 ngày, nếu Sở không có văn bản phản hồi thì chủ đầu tư được phép cho thuê, thuê mua nhà xã hội cho người chủ đơn.

Tuy nhiên trong trường hợp 800 căn nhà ở xã hội tại Việt Hưng, tôi phải lưu ý rằng, đây là nhà ở xã hội theo đúng nghĩa của nó. Tức là, loại nhà ở do Nhà nước đầu tư hoàn toàn bằng vốn từ ngân sách, vì vậy việc thành phố ra quy chế như trên không có gì là sai.

Thông tư 36 áp dụng với nhà cho người thu nhập thấp, với các dự án nhà ở do chủ đầu tư tư nhân đầu tư, còn với 800 căn hộ này, việc thành phố trực tiếp xét duyệt là hợp lý. Nhưng tôi được biết quy chế của thành phố cũng vận dụng nhiều quy định của Bộ Xây dựng với nhà ở cho người thu nhập thấp, như quy định về thu nhập, điều kiện ở.

* Trong dự thảo nói trên của Hà Nội cũng quy định, người thuê, thuê mua phải đáp ứng các điều kiện: Có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại Hà Nội, thu nhập bình quân hằng tháng dưới mức bình quân chung của địa phương. Thưa ông, 2 quy định này có hợp lý không khi thực tế đối tượng cần nhà chính lại là những người ngoại tỉnh, chưa có hộ khẩu tại thành phố? Mặt khác, việc xác định thu nhập bình quân hằng tháng dưới mức bình quân của địa phương liệu có thực tế?

Như tôi đã nói ở trên, đây là nguồn nhà ở do thành phố xây dựng bằng ngân sách của địa phương nên việc ưu tiên giải quyết trước hết cho đối tượng cư dân địa phương là dễ hiểu. Vì nguồn cung nhà hạn chế nên trước hết phải giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân địa phương, đặc biệt là đối tượng cán bộ, công nhân viên chức đang phục vụ trong bộ máy của thành phố.

Dự tính năm 2010 Hà Nội mới chỉ có 800 căn hộ nhà ở xã hội, trong đó 500 căn cho thuê và 300 căn cho thuê mua, tức là số lượng còn rất hạn chế so với nhu cầu hiện nay của thành phố. Mặt khác, chúng ta cũng không khuyến khích di dân cơ học, hạn chế về điều kiện hộ khẩu thường trú có thể hiểu theo ý này.

Còn về thu nhập, cũng có ý kiến cho rằng điều kiện này khó xác định với thực tế ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chính trước mắt sẽ tập trung vào cán bộ, công chức nhà nước. Đối tượng này sẽ căn cứ vào lương, cái này không khó xác định. Mặt khác, thu nhập cũng không phải là điều kiện duy nhất, song song với điều kiện thu nhập còn có điều kiện ở.

Thực tế, có những người thu nhập khá nhưng vẫn không có nhà ở. Lại có những người thu nhập không cao nhưng vẫn có điều kiện ở tốt do họ được thừa kế chẳng hạn. Trên cơ sở ràng buộc 2 điều kiện này lại sẽ hạn chế được khá nhiều số đối tượng.

Tuy nhiên theo ước tính, với điều kiện hiện nay, tức là trong điều kiện đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp phải chưa có nhà ở hoặc có nhưng diện tích dưới 5m²/người thì cả nước cần khoảng 100.000 căn hộ. Nhu cầu nhà ở đô thị hết sức lớn, chúng ta cần một nguồn cung nhà rất lớn trong tương lai.
 

Khu nhà ở xã hội tại Việt Hưng, Long Biên. Ảnh: T.G


* Qua thực tế triển khai đề án nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp tại các địa phương thời gian qua, đâu là khó khăn lớn nhất? Bộ Xây dựng đã có giải pháp gì để khắc phục những khó khăn vướng mắc này, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất vẫn là vốn và mặt bằng. Nhu cầu nhà ở tại phân khúc này rất lớn, nhưng thực tế khả năng đáp ứng của ta vẫn rất hạn chế. Với khó khăn về vốn, chúng tôi đang đề nghị thí điểm việc lập quỹ tiết kiệm mua nhà tương tự mô hình Singapore đã thực hiện.

Theo mô hình này, mỗi cá nhân sẽ trích một phần thu nhập hàng tháng đưa vào quỹ tiết kiệm nhà ở. Khi lượng tiền tiết kiệm tích luỹ đủ một số phần trăm nhất định so với tổng giá trị ước tính của căn hộ được mua, thuê mua thì sẽ được quyền mua, thuê mua căn hộ nhà ở xã hội đó. Chúng tôi đang đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp thực hiện thí điểm mô hình này.

Còn về quỹ đất, hiện nay, trên cả nước đã triển khai được gần 100 dự án nhà ở sinh viên và một số dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Phần lớn các dự án này tận dụng quỹ đất 20% của các địa phương. Nhưng như đã nói quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội rất lớn, thời gian tới, đây sẽ là vấn đề Bộ đặc biệt chú trọng. Chúng ta sẽ phải có quy hoạch cụ thể về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương.

Khi đã có quỹ đất này thì quan trọng là phải quy định chặt chẽ, chỉ được xây dựng nhà ở xã hội chứ không được mang đấu giá để sử dụng cho mục đích khác. Dự kiến trong năm 2010, Bộ sẽ tiến hành rà soát lại hàng loạt các dự án lớn tại các địa phương về việc thực hiện quy định dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Theo quy định hiện hành, các dự án có quy mô 10ha trở lên đều phải dành đất để xây nhà ở xã hội.

Xin cảm ơn ông!


DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình