Top

Nhà ở cho người thu nhập thấp: Cho thuê hơn bán

Cập nhật 14/11/2009 13:15

Kỹ sư Nguyễn Văn Đực - Phó GĐ Cty TNHH địa ốc Đất Lành nói: Hiện tại TP HCM có khoảng 90% người nhập cư từ độ tuổi 18 - 30 phải ở tạm trong các khu nhà trọ tồi tàn. Toàn TP chỉ có khoảng 25% hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khoảng 30% đang ở trong những căn nhà nhỏ hơn 36 m2… Khoảng 50% dân số VN tại các TP lớn đang khao khát có một căn nhà có mức tiện nghi tối thiểu.

Một tòa nhà cho công nhân thuê tại tỉnh Bình Dương


Vấn đề trọng tâm tại hội thảo về nhà giá rẻ do UBND TP HCM và Hiệp hội BĐS TP HCM (HoRea) vừa tổ chức, là tìm giải pháp để người nghèo, người có thu nhập trung bình tại VN có được chỗ ở ổn định mức tối thiểu, theo tiêu chuẩn thấp nhất của Bộ Xây dựng.

Khó trăm bề

Ông Đực cho biết vì xây nhà giá rẻ khó trăm bề, không có lãi nên hầu như chẳng có DN nào xây. Mà nói giá rẻ tức là khoảng 10 - 15 triệu đồng/m2, so với thu nhập trung bình hiện nay, thì giá như vậy vẫn chưa phù hợp với khả năng mua của đại đa số người nghèo. Ông Đực phân tích: Nhà chung cư bây giờ tệ nhất là loại 45 m2, giá khoảng 400 - 600 triệu đồng/căn, đại đa số người lao động thu nhập trung bình khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, chi dùng gần như hết sạch, không thể để dành được số tiền như vậy sau khoảng 10 năm. Biết vậy, nhưng các DN không thể xây nhà rẻ hơn được nữa vì hầu như họ phải lo toàn bộ từ tiền đất hiện đang rất cao, tiền xây dựng, thủ tục, tốc độ giải phóng mặt bằng... kéo dài 2 - 3 năm buộc họ phải tính trượt giá...

Ông Hoàng Kiều - Cty Rass, đưa ra giải pháp: Thực tế thu nhập của người Việt còn thấp như hiện nay, thì nên xây nhà cho thuê nhiều hơn là xây nhà để bán. Có hàng loạt giải pháp giảm giá thành xây dựng nhà nhưng tại VN chưa thực hiện. Ví dụ như ở Thái Lan, việc xây một khối chung cư cho khoảng vài trăm hộ chỉ thực hiện trong 2 - 3 tháng, còn ở VN là 2 - 3 năm, làm tăng chi phí lên vài lần. Còn việc ứng dụng kỹ thuật mới để có giá rẻ hơn, tại VN cũng chưa làm. Ví dụ như nhiều nước, nhà xã hội - giá rẻ hầu hết có kết cấu đơn giản, vật liệu nhẹ lắp ghép nên giá rất rẻ dù vẫn bảo đảm việc sinh hoạt, học hành, giải trí, thương mại... của khu dân cư. Tại sao ở VN, dù là một cao ốc chọc trời hay là một khu chung cư bình dân cũng đều xây bằng gạch và bêtông, làm móng kiên cố một cách không cần thiết ?

Ông Đực nói là kỹ sư, do móng nhà chiếm chi phí 30 - 40% căn nhà nên việc làm móng hợp lý sẽ giảm giá thành rất lớn. Ông đề xuất chung cư 5 - 6 tầng chỉ cần làm móng đơn, còn chung cư trên 15 tầng mới phải làm móng bè, móng cọc nhồi.

Nhà nước phải thể hiện cụ thể trách nhiệm

Một đại diện Quỹ đầu tư nhà TP HCM cho rằng nhà nước có vai trò chính, và phải thể hiện cụ thể vai trò này trong vấn đề xây dựng nhà giá rẻ. Ông này nói: với cơ chế như hiện nay, những ưu đãi về xây nhà giá rẻ - xã hội hiện vẫn chưa hấp dẫn DN tham gia. DN xây một khu nhà giá rẻ sau 10 năm vẫn chưa thu hồi được vốn, nên DN không thích tham gia, ngân hàng cũng không dám tham gia vì sợ mất vốn. Tốt nhất là nhà nước phải là chủ đầu tư loại nhà xã hội - giá rẻ. Nếu giao cho DN xây thì nhà nước nên cam kết mua hết cho DN. Nhà nước nên có hẳn một bộ lo về nhà ở như ở Mỹ đã có. Không thể xem nhà giá rẻ, nhà ở xã hội mang tính thị trường, mà phải xem đây là phúc lợi xã hội mà nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm.

Ông Nguyễn Phụng Thiên - Chủ tịch HĐQT Cty CP đại ốc Sài Gòn góp ý: Phải làm sao để cả nhà nước - DN - người dân cùng tham gia việc xây nhà giá rẻ - xã hội. Mấu chốt của cái khó hiện nay là thủ tục hành chính rườm rà, kéo dài thời gian chứ chưa phải là thiếu vốn. Nhiều DN có vốn, muốn xây nhà giá rẻ cho xã hội nhưng ngại, sợ thủ tục hành chính nên chưa dám tham gia. Thực tế đã có một số tư nhân, chủ DN xây nhà khá khang trang cho công nhân thuê giá rẻ. Đối với người mua nhà thì miễn giảm thuế trực tiếp cho họ, cho họ vay vốn mua nhà lãi suất 0% và được thế chấp bằng chính ngôi nhà đó. Phải xử lý mạnh tay những cán bộ quan liêu, những nhiễu hành DN hiện đang tồn tại khá nhiều, sống nhờ những kẽ hỡ và các quy định thủ tục quá nhiều của nhà nước.

Bà Đỗ Thị Loan - Tổng thư ký HoRea thì nêu lên nỗi khổ của hàng triệu công nhân đang sống tạm bợ trong những khu nhà trọ, sống chung với các tệ nạn mất an ninh, nạn cho vay nặng lãi, nạn cờ bạc, ma túy... Bà Loan cho rằng, nếu giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội thì sẽ góp phần cơ bản giải quyết tệ nạn xã hội. Trách nhiệm này là của nhà nước, chứ không phải của DN.


DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp