Phải có giải pháp để cao ốc mọc lên không ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống của cư dân trong vùng. Ảnh: HTD. |
Sự xuất hiện của một công trình xây dựng mới trên vùng đất đồng nghĩa với sự chen chân vào không gian chung của một nhóm cư dân mới.
Ở các nước tiên tiến, việc cho ra đời một công trình xây dựng dân dụng luôn được cân nhắc, tính toán và quyết định trên cơ sở đánh giá tác động của dự án đối với khung cảnh sống và đặc biệt là đối với điều kiện sinh hoạt hiện hữu của cư dân trong vùng. Một trong những yêu cầu cơ bản mà công trình phải đáp ứng để có thể ra đời là nếu không có tác dụng nâng cao chất lượng cuộc sống thì ít nhất sự vận hành của công trình không được làm giảm sút chất lượng đó.
Một người bình thường, không có trình độ chuyên gia vẫn có thể lĩnh hội dễ dàng lý lẽ của việc đặt ra yêu cầu này. Trong điều kiện mặt bằng một vùng đất có giới hạn, sự xuất hiện của một công trình xây dựng mới trên vùng đất đồng nghĩa với sự chen chân vào không gian chung của một nhóm cư dân mới. Nếu không có các biện pháp thích hợp, chẳng hạn như đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng thì khi có thêm người, sự chia sẻ không gian, mặt bằng, tiện ích chắc chắn sẽ phải được thực hiện trong những điều kiện kém thuận lợi, kém thoải mái hơn trước.
Về lĩnh vực giao thông đô thị, để hình dung tác động của một công trình xây dựng mới, chỉ cần làm một phép toán cộng đơn giản. Có thêm một căn nhà xuất hiện tại một khu vực, thêm số người cư trú trên địa bàn thì tất nhiên số phương tiện đi lại sẽ gia tăng. Nhà càng cao, to, dung nạp càng nhiều người thì tất yếu các tuyến đường dẫn đến đó phải tiếp nhận càng nhiều phương tiện di chuyển, nghĩa là giao thông trên các tuyến đường ấy càng dày đặc.
Tất nhiên, một khi chất lượng sống giảm sút thì người gánh chịu hậu quả không ai khác là những người dân đang sống trong khu vực. Nhận trách nhiệm chính trong việc việc bảo đảm trật tự, công bằng xã hội, bảo đảm cho mọi người dân có cuộc sống bình yên và tốt đẹp, nhà chức trách công phải đứng ra ngăn chặn điều này, nếu không ngăn chặn được thì phải đứng ra xử lý hậu quả.
Ở góc nhìn của nhà quản lý xã hội, trong mối quan hệ với chủ sở hữu công trình mới ra đời, liên quan đến việc chiếm lĩnh, khai thác không gian chung, tất cả cư dân địa phương đứng một bên, chủ sở hữu công trình đứng bên kia. Nhà chức trách công phải ràng buộc chủ sở hữu công trình, tức là bên kia, vào các nghĩa vụ thích hợp để việc xây dựng và khai thác công trình không gây thiệt hại cho bên này.
Liên quan đến việc bảo đảm không gây tác động xấu đến giao thông đô thị, nhà chức trách công có quyền yêu cầu chủ đầu tư xây dựng công trình phải trả các chi phí cần thiết cho việc cải thiện các điều kiện hạ tầng như thế nào để việc đi lại của mọi người trên địa bàn vẫn tiếp tục diễn ra trong những điều kiện bình thường. Cũng có trường hợp do quy mô của dự án đủ lớn, nhà nước giao luôn cho chủ đầu tư công tác cải tạo, mở rộng các tuyến lộ công cộng có liên quan, được thực hiện song song với việc xây dựng các công trình mới; khi công trình được đưa vào vận hành thì hệ thống hạ tầng giao thông cũng đã được cải tạo tương ứng và giao thông công cộng không bị ảnh hưởng xấu.
Luật hiện hành ở Việt Nam cũng quy định việc đánh giá tác động môi trường như là một công đoạn bắt buộc trong quy trình thẩm định các dự án đầu tư, bao gồm dự án xây dựng. Tuy nhiên, khi nói về môi trường ở góc độ pháp lý, người làm luật hầu như chỉ quan tâm đến các yếu tố vật lý, chưa chú ý đến các yếu tố xã hội, kinh tế, văn hóa...
Những lỗ hổng luật pháp đã và đang được không ít nhà đầu tư khai thác triệt để. Các cao ốc chọc trời, các khu biệt thự, căn hộ cao cấp thi nhau mọc lên như nấm giữa các vùng tập trung dân cư đông đúc, góp phần làm trầm trọng tình trạng ách tắc trong giao thông công cộng; về phần mình, nhà đầu tư lại chẳng phải trả một khoản phí nào cho việc khắc phục tình trạng ấy dù chính họ là một trong những người đã tạo ra nó.
>>Không vì kẹt xe mà hạn chế xây cao ốc
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP