Top

Nhà, đất lún sâu trong khủng hoảng

Cập nhật 20/12/2008 09:40

Triển vọng đầu tư vào bất động sản ở TPHCM hiện đứng hạng thứ 13, thấp hơn năm 2008 (vị thứ 8) và năm 2007 (vị thứ 12).

Trong tháng 12-2008, thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM nhận được những thông tin khá tích cực như: Bộ Xây dựng sẽ bung ra một khoản tiền kích cầu 20.000 tỉ đồng, trong đó 2.500 tỉ đồng giải ngân ngay đầu năm 2009; vốn FDI dành cho BĐS năm nay giải ngân 2 tỉ USD; đề xuất chính sách thuế mới dành cho thu nhập từ BĐS lùi sang tháng 7-2009 (thay vì áp dụng từ ngày 1-1-2009)... Thế nhưng những thông tin trên vẫn không thể kích nổi khối lượng giao dịch trong hoàn cảnh giá nhà, đất trên thị trường đã giảm từ 20% đến 70% so với đầu năm 2008.

Khách hàng “nội” ngó lơ

“Cả tháng nay, chúng tôi chưa có phi vụ nào thành công, khách hàng có nhu cầu mua nhà thật sự, chờ giá tiếp tục giảm, còn chủ đất thì không muốn bán, cứ cù cưa. Với nhà đầu tư mua đi bán lại thì ngó lơ, hoặc lỡ “ôm” đất ngâm tiếp để chờ giá tăng trở lại...”- chị Hoàng Ngân, một nhân viên môi giới nhà, đất tại quận 2, than thở. Theo chị Ngân, nếu từ tháng 9 đến tháng 11, giới đầu tư còn hỏi thăm thêm các dự án sắp ra hàng để tham gia thì nay gọi điện thoại lại tất cả đều từ chối. Theo số liệu khảo sát của các sàn giao dịch địa ốc lớn và uy tín tại TPHCM, đầu tháng 12-2008, giá nhà, đất nhiều khu vực đang tiếp tục đứng hoặc rớt giá từ 2% - 5% so với mức giá của tháng 11-2008.

Khảo sát từ hệ thống sàn giao dịch Vinaland đầu tháng 12 cho thấy, biểu đồ giá nhà, đất khu Đông và Nam Sài Gòn đều đi ngang, thời gian gần đây còn hạ thấp hơn so với trước đó. Đơn cử, đất nền ở dự án Đông Thủ Thiêm giảm giá 7,7%, đất nền dự án Công ty Thế kỷ 21 nằm ven sông giảm từ 5,3%-6,7% so với tháng 11-2008. Riêng nhà, đất trong khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7) đứng giá chứ không giảm thêm, nguyên nhân được lý giải là do ảnh hưởng thông tin về việc khung giá đất khu vực này sẽ điều chỉnh tăng 50%-70% so với trước đây. Nếu giá đất giảm mà các khoản nghĩa vụ tài chính tăng ở mức khung giá đất tăng, xem như nhà đầu tư lỗ nặng. Tương tự, khảo sát từ hệ thống sàn BĐS Sacomreal cũng không có nhiều biến động so với cuối tháng... 11. Hầu hết các dự án căn hộ cao cấp từng ào ạt lên giá cuối năm 2007 như: The BMC Hưng Long, Phú Mỹ, The Maison, New Saigon... đều đứng giá hoặc giảm trung bình thêm 1 triệu đồng/m2 so với tháng trước.

Nhà đầu tư “ngoại” vẫn kỳ vọng

Dù thị trường có những chuyển biến xấu, doanh nghiệp “đói” vốn, kẹt đầu ra vì sản phẩm không tiêu thụ được, niềm tin của khách hàng bị sụt giảm... nhưng nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn cho rằng đây là cơ hội tham gia “cuộc chơi” vì giá đất đã xuống ở mức tương đối thấp. Trong báo cáo “Xu hướng mới nổi trong thị trường BĐS” tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương năm 2009 do Viện Quản lý đất đô thị tại Mỹ (ULI) và Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers, triển vọng đầu tư vào BĐS ở TPHCM đã tụt hạng so với năm 2008. Theo đó, TPHCM hiện đứng hạng thứ 13, thấp hơn năm 2008 (vị thứ 8) và năm 2007 (vị thứ 12). Tuy nhiên, triển vọng phát triển dài hạn tại TPHCM vẫn còn cao, đặc biệt là đầu tư BĐS để cho thuê văn phòng, bán lẻ hàng hóa và khu dân cư thì TPHCM được coi là nơi có triển vọng phát triển tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Chính những nhận định này mà các nhà đầu tư ngoại có thêm niềm tin thị trường sẽ “ấm” nhanh trở lại.

Tuy nhiên, một số chuyên gia địa ốc trong nước lại không tin lắm vào sự hồi phục của thị trường BĐS trong thời gian ngắn, bởi hầu hết đều cùng nhận định với tình hình kinh tế thế giới còn có những diễn biến trì trệ như hiện nay... thì sự phục hồi có thể phải kéo dài đến hết năm sau. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: “Thị trường BĐS cuối năm 2008 lún sâu vào giai đoạn suy thoái. Mức độ mua bán giảm 80%-90% so với cuối năm 2007, chưa thể vực dậy nổi”. Chuyên gia này phân tích, từ nay đến năm 2009 sẽ khó có biến chuyển mới trên thị trường BĐS, sớm nhất là năm 2010 thị trường mới có dấu hiệu tan băng.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế tại TPHCM, khác với chu kỳ BĐS thế giới thường kéo dài 10 năm, ở Việt Nam chu kỳ này ngắn hơn, chỉ kéo dài tối đa 5 năm. Nguyên nhân là nguồn vốn đầu tư vào thị trường địa ốc của Việt Nam chỉ xoay trở trong ngắn hạn và ảo tưởng siêu lợi nhuận ám ảnh các nhà đầu tư tin rằng BĐS chỉ đi lên hoặc đi ngang chứ khó giảm giá. Song thực tế cho thấy nhận định này là chưa phù hợp, bởi hiện giá BĐS trong thời điểm này tuy giảm 60%-70% nhưng chưa phải giá trị thật sự, ít nhất sẽ chạm vào giá thời điểm năm 2006.

Hoài nghi về gói kích cầu “nhà giá rẻ”

Riêng về gói kích cầu tạm gọi là “nhà giá rẻ” nhằm đánh vào nhu cầu của người có thu nhập thấp và trung bình mà Bộ Xây dựng dự kiến triển khai, nhiều chuyên gia hoài nghi “liều thuốc” này sẽ không có tác dụng tức thời. Nguyên nhân do khoản tiền ban đầu 2.500 tỉ đồng sẽ chảy vào dự án nhà thu nhập thấp và trung bình, trong khi đó một thời gian dài thị trường phát triển lệch vào thị phần căn hộ cao cấp. Hiện quỹ đất dành cho dự án dạng này là khá ít ỏi, dù các cơ quan tham mưu của TPHCM cho biết là sẽ cung ứng 200 ha đất “sạch” tập trung. Chưa hết, để có được dự án, riêng thủ tục đã mất từ 2 đến 3 năm vậy lấy đâu ra căn hộ giá rẻ mà đẩy ra thị trường để kích cầu.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc NLĐ