Top

Nhà cho cán bộ, công chức: Thuê hay mua, đều khó

Cập nhật 05/09/2008 01:00

Thu nhập 5 triệu đồng/tháng nên thuê nhà ở thay vì mua nhà, bởi giá trị căn nhà lớn hơn nhiều lần thu nhập. Tuy nhiên, muốn thuê nhà cũng không dễ...

Mua hay thuê nhà đều khó


Chị H. công tác tại một cơ quan nhà nước, có thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. So với các cơ quan khác, đây là mức thu nhập cao và theo quy định cũng là mức khởi điểm đóng thuế thu nhập. Tuy nhiên, với mức thu nhập này, việc sở hữu một căn hộ chung cư vẫn là ước mơ xa vời.

Trả lời báo chí, một quan chức Bộ Xây dựng khuyên, cán bộ, công chức thu nhập 5 triệu đồng/tháng nên thuê nhà ở hơn là mua nhà. Bởi, thực tế giá trị nhà lớn hơn nhiều lần so với thu nhập, do đó thuê nhà là cách giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở.

Tuy nhiên, thực tế thuê nhà cũng khó không kém mua nhà. Để kiếm được căn hộ vừa ưng ý, vừa phù hợp với thu nhập, người thuê phải vất vả tìm kiếm và có thể phải qua nhiều “cầu” mà mỗi lần như vậy lại phải mất một khoản phí dịch vụ, chưa kể giá thuê nhà thường xuyên thay đổi theo biến động của thị trường.

Nhà ở xã hội, vẫn đang... chờ

Mới đây, thông tin Sở Xây dựng Hà Nội công bố đề án thí điểm xây dựng nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức thuê-thuê mua được rất nhiều người quan tâm. Mức giá cho thuê được xây dựng trên khung giá thuê nhà của Chính phủ, khoảng 17.000đ/m2/tháng.

Một căn hộ có diện tích 35m2 giá thuê khoảng 607.000đ/tháng. Căn hộ lớn 60m2 giá hơn 1 triệu đồng/tháng. Với nhà thuê mua, khách chỉ phải trả 20% giá trị khi làm hợp đồng, sau đó trả tiền hằng tháng với mức cao hơn nhà thuê một chút.

Họ hy vọng, qua đề án này sẽ giải quyết được chỗ ở và xa hơn có thể sở hữu được 1 căn hộ. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là dự kiến vì đề án này đã có từ 2 năm nay nhưng đến bây giờ vẫn “nằm trên giấy”.

Có một thực tế là khi kêu gọi xã hội hóa, ít doanh nghiệp (DN) quan tâm đến loại dự án này, do vốn đầu tư lớn mà thời gian thu hồi vốn chậm (20 năm với nhà thuê-mua và 30 năm với nhà thuê).

Chưa kể sẽ có những rủi ro không lường trước từ nhiều phía trong quá trình thực hiện dự án, triển khai cho khách hàng thuê và thuê-mua. Lãi suất vay ngân hàng hiện nay là một ví dụ. Với mức lãi trên dưới 20%, một lãnh đạo DN tính toán số vốn thu về phải gấp 2,5 lần vốn đầu tư mới bảo đảm các khoản chi phí trong khi thời gian triển khai và thu hồi vốn mất 4 năm.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đang đôn đốc các địa phương nhanh chóng triển khai mô hình nhà ở xã hội. Theo bộ, mô hình nhà ở xã hội là chính sách ưu việt, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với cán bộ, công chức.

Việc xây dựng nhà ở xã hội phải sử dụng vốn ngân sách, tức là Nhà nước bỏ kinh phí ra xây dựng thì mới bảo đảm được tiến độ.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, số lượng cán bộ, công chức chưa có nhà, hay có khó khăn về chỗ ở rất lớn. Tại Hà Nội, Sở Xây dựng công bố, trong 5 năm qua đã giải quyết hàng ngàn chỗ ở cho cán bộ, viên chức từ quỹ nhà 20% do DN đầu tư dự án để lại.

Tuy nhiên, trong số đó không có nhà thuê - thuê mua, mà đều là bán. Đến năm 2010, Hà Nội cần khoảng 7 triệu mét vuông nhà ở, tương đương 120.000 căn hộ, trong đó nhu cầu thuê-thuê mua khoảng 3.600-5.400 căn.

Mặc dù số liệu trên chưa tính phần diện tích hợp nhất vào Hà Nội nhưng có thể khẳng định, nhu cầu về chỗ ở vẫn đang là vấn đề rất bức xúc, đòi hỏi thành phố cần có nhiều giải pháp, huy động nhiều nguồn vốn, hình thức phát triển khác nhau, thay vì chỉ trông đợi vào nguồn vốn đầu tư của DN.

Rõ ràng, việc triển khai mô hình nhà ở xã hội nhanh hay chậm phụ thuộc vào quyết tâm của địa phương.

Theo Hà Nội Mới