Top

Đường Vành đai 4, 5 và “Bức tranh” của giao thông Hà Nội

Cập nhật 04/09/2008 14:00

Thời gian qua, với sự nỗ lực của TP Hà Nội và Bộ GTVT, hình ảnh những cây cầu, con đường mới bao gồm cả đường bộ, đường sắt.... đã được hình thành mang tính thẩm mỹ cao.

Những tuyến đường Vành đai 1, 2 rồi đến tuyến đường Vành đai 3 từ ga Bắc Hồng qua cầu Thăng Long, qua Thanh Xuân, qua cầu Thanh Trì, qua sông Đuống tại trạm bơm Bốt Vàng sang cầu Phù Đổng nối với Yên Viên lên đường 18 (dự kiến) đang được thực hiện đã tạo lên không gian mới của Hà Nội.

Trong tương lai không xa nữa, khi đường Vành đai 3 trở thành đường đô thị, sẽ phải mở thêm đường vành đai 4, 5 để thủ đô Hà Nội vươn mạnh hơn, dài hơn ra các tỉnh thành bạn.

Hoàn chỉnh đường vành đai hiện có

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội mới được phê duyệt vào giữa tháng 7/2008, thì thành phố sẽ có các tuyến vành đai hoàn chỉnh, trong đó ngoài những tuyến đường vành đai hiện có sẽ xây dựng thêm đường vành đai 4 và vành đai 5.

Cụ thể: Đối với đường vành đai 2, sẽ cải tạo mở rộng, xây dựng mới với tổng chiều dài khoảng 43,6 km theo trục Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy thành đường đô thị 4¸ 8 làn xe.

Một số đoạn cá biệt trong nội thành sẽ xây dựng 4 làn xe trong giai đoạn đầu. Thời gian hoàn thành khép kín vành đai 2 trước năm 2010, riêng đoạn Đại La - Trường Chinh - Cầu Giấy sẽ được mở rộng sau năm 2010...

Đường vành đai 3 có chiều dài khoảng 65 km. Trong đó, đoạn Nội Bài - Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp có hướng tuyến theo dự án nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua (văn bản số 945/CP-KTN ngày 13/8/1998).

Đoạn tuyến phía Bắc, từ Ninh Hiệp đến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, được điều chỉnh đi qua các điểm khống chế Việt Hùng - Đông Anh -Tiên Dương - Nam Hồng (nằm phía Nam của đường sắt vành đai Bắc, tránh khu di tích Cổ Loa).

Về chức năng và cấu tạo mặt cắt ngang: đoạn Nội Bài - Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - cầu Thanh Trì cấu thành bởi đường đô thị hai bên kết hợp với cao tốc đô thị ở giữa.

Đoạn cầu Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp - Việt Hùng là đường cao tốc mang yếu tố đô thị. Đoạn từ Việt Hùng đến nút giao với đường Bắc Thăng Long - Nội Bài là đường phố chính.

Đoạn tuyến nối giữa đường Vành đai 3 với đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long qua các điểm khống chế Ninh Hiệp, Đường Yên, Đồng Xuân là đường cao tốc với chiều dài 8,5 km.

Mặt cắt ngang của đường vành đai này và đoạn Ninh Hiệp - Đường Yên - Đồng Xuân bảo đảm 6 đến 8 làn xe. Các cầu lớn gồm cầu Thanh Trì (vượt sông Hồng) và cầu Phù Đổng 2 (vượt sông Đuống). Đường Vành đai 3 sẽ cơ bản hoàn thành trước năm 2010.

Tạo đường vành đai giao thông liên vùng

Khi các đường Vành đai 2, 3 đã dần trở thành đường đô thị thì tất yếu phải xây dựng các tuyến vành đai khác để mở rộng phạm vi Hà Nội kết nối với các vùng kinh tế khác, hay còn gọi là vành đai giao thông đối ngoại.

Như vậy, vành đai 4 sẽ được xây dựng mới với nhiệm vụ là đường vành đai giao thông kết nối các tuyến quốc lộ và cao tốc hướng tâm, nối các khu công nghiệp, khu đô thị liền kề Thủ đô Hà Nội.

Vành đai này sẽ đi qua các khu vực Phúc Yên, Mê Linh (Vĩnh Phúc); Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín (Hà Tây); Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm, Như Quỳnh (Hưng Yên); Tiên Sơn, Tiên Du, Yên Phong (Bắc Ninh); huyện Hiệp Hòa, (Bắc Giang); Sóc Sơn (Hà Nội).

Vành đai giao thông đối ngoại có chiều dài khoảng 148 km, quy mô 6 đến 8 làn xe, chiều rộng chỉ giới 100 m đến 120 m. Thời gian xây dựng của đường vành đai giao thông đối ngoại từ năm 2010 đến năm 2020...

Ngoài việc xây dựng đường vành đai đối ngoại còn xây dựng thêm đường vành đai liên kết các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội đó là Vành đai 5.

Theo quy hoạch đường vành đai liên kết các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội theo hướng tuyến từ thành phố Vĩnh Yên - thành phố Sơn Tây - đô thị Hoà Lạc - thị trấn Xuân Mai - Miếu Môn - Đồng Văn - thị xã Hưng Yên - thành phố Hải Dương - Chí Linh - thành phố Bắc Giang - thị xã Sông Công, với chiều dài khoảng 320 km.

Với những gì đã, đang và sắp làm đối với các tuyến đường vành đai, trong tương lai cùng với 3 tuyến đường vành đai hiện nay, tuyến đường Vành đai 4 của Thủ đô sẽ là một tuyến mới kết hợp cả mạng lưới đường liên tỉnh và nội đô, khép kín khu vực đô thị tương lai của Hà Nội. Còn đường Vành đai 5 sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc liên kết các đô thị vệ tinh.

Theo Kinh Tế Đô Thị