Gần 5 tỉ USD cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp phép trong những ngày đầu năm Kỷ Sửu này.
Bà Lê Kim Hương, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xác nhận dự án khu du lịch, giải trí phức hợp Winvest sẽ được phép tăng vốn đầu tư từ 300 triệu lên trên 4,1 tỉ USD. Đây sẽ là dự án trong lĩnh vực du lịch, giải trí thứ hai có số vốn đầu tư lớn được cấp phép tại địa bàn tỉnh.
Cách đây đúng một năm, dự án khu du lịch Hồ Tràm có tổng vốn đầu tư 3,2 tỉ USD đã được trao giấy chứng nhận đầu tư. Bà Hương cho biết trong số tám dự án được cấp phép mới sẽ có hai dự án xây dựng khu đô thị lớn. Trong đó dự án The Vietstar mixed-use complex có tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, xây dựng khu đô thị mới trên diện tích 154.500m2 tại P.12, TP Vũng Tàu.
Ngoài Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh, TP khác như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai chưa có dự án mới nào được cấp phép trong tháng một. Tuy nhiên, theo Sở KH-ĐT Đồng Nai, một số dự án lớn hiện nay đã được thẩm định, đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục, nhiều khả năng sẽ được cấp giấy phép trong tháng hai. Không cho biết cụ thể số vốn đầu tư nhưng một cán bộ của sở tiết lộ con số sẽ là hàng tỉ USD. Bất động sản vẫn chiếm ưu thế trong số các dự án mới này.
Bà Lê Kim Hương đánh giá những dự án sắp được trao giấy chứng nhận đầu tư đều có triển vọng triển khai nhanh. “Nhà đầu tư kiên định làm như thế thì chúng tôi đâu thể ngần ngừ xốc vào thúc đẩy dự án triển khai nhanh” - bà Hương nói.
Thúc đẩy giải ngân, giao nhanh mặt bằng
Không lạc quan về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm nay nhưng theo ông Phan Hữu Thắng, cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH-ĐT, tình hình không đến nỗi quá bi quan bởi một số nhà đầu tư vẫn muốn giải ngân vốn thực hiện dự án, trong khi đó một số ít nhà đầu tư đang làm thủ tục xin cấp phép khác vẫn cam kết tiếp tục đeo đuổi dự án. “Mọi nỗ lực lúc này là làm sao thúc đẩy giải ngân vốn thực hiện cho thật hiệu quả” - ông Thắng nói.
Nói về nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy triển khai dự án đầu tư, bà Hương chia sẻ: “Theo dõi sát tiến độ dự án và có hướng giải quyết ngay những khó khăn vướng mắc là cách hiệu quả nhất”.
Theo bà Hương, cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ là một trong tám bước để triển khai dự án. Gian nan nhất vẫn là công tác giao đất, cho thuê đất, vì thế để đẩy nhanh tiến độ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thống nhất một số điểm phối hợp làm việc giữa các sở trong tỉnh dưới hình thức một chỉ thị sẽ ra đời trong tháng hai. Với “cẩm nang” chung này bà Hương hi vọng công việc của từng cơ quan được phân định rõ ràng hơn, tiến độ sẽ trôi chảy hơn.
Những chính sách cụ thể sắp tới, theo bà Hương, sẽ có tác động đến việc giải ngân vì công việc đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ được giải tỏa phần nào. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận việc chuẩn bị 6.800ha đất cho 41 dự án đầu tư đã được cấp phép là rất gian nan.
Bất động sản: lạc quan
Đứng ở góc độ nhà đầu tư, giám đốc điều hành dự án Công ty A-Jung Engineering & Construction Co. - đơn vị triển khai dự án khu đô thị mới ở Vũng Tàu - ông Terence Park đánh giá: “Thị trường bất động sản VN chỉ gặp khó khăn trong một hai năm trước mắt, đến năm 2011 mọi việc sẽ tốt lên vì nhu cầu sử dụng nhà ở của VN vẫn tăng cao”.
Một nhà đầu tư khác ở Bình Dương là Công ty Setia (Malaysia) - đang triển khai khu đô thị EcoLake trên 600 triệu USD - cũng tỏ ra lạc quan về thị trường bất động sản trong hai năm tới. “Chúng tôi chỉ thay đổi một tí về thiết kế nhà ở cho phù hợp với đối tượng mua, còn kế hoạch triển khai dự án vẫn bình thường. Thậm chí, dự định đầu tư dự án khác gần Khu công nghệ cao TP.HCM (Q.9) vẫn tiếp tục đàm phán...” - đại diện Setia nói.
Ông Lư Thanh Phong, phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, xác nhận các nhà đầu tư thực hiện một số dự án lớn trên địa bàn đang triển khai tốt kế hoạch. “Ví dụ chủ đầu tư dự án trung tâm tài chính quốc tế (trên 900 triệu USD) là Berjaya vừa chính thức gửi thư đến cơ quan quản lý hối thúc hỗ trợ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án này” - ông Phong nói.
Hi vọng vào những thay đổi trong chính sách đất đai sắp tới sẽ thúc đẩy vốn giải ngân vượt ngưỡng 10 tỉ USD như năm 2008, ông Phan Hữu Thắng lạc quan: “Chưa thể tiết lộ nhưng từ sau chuyến khảo sát các dự án gặp khó khăn vừa rồi ở nhiều địa phương, tôi nghĩ Chính phủ đã có giải pháp hay”.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ