Top

“Mặc áo” phường cho xã

Cập nhật 25/09/2009 09:15

Đó là kiến nghị của nhiều huyện ở TPHCM vì cơ chế quản lý hành chính hiện không còn phù hợp với thực tế.

Do tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện nay cơ chế hành chính của không ít xã thuộc huyện trên địa bàn TPHCM không còn phù hợp, vượt quá tầm quản lý của chính quyền địa phương. Do đó, nhiều địa phương đã mạnh dạn kiến nghị cho thí điểm cơ chế quản lý “phường” thay cho “xã”.

Đô thị lấn đất nông nghiệp

Nằm ở trục Quốc lộ 50, giáp cầu Nhị Thiên Đường, quận 8 và đại lộ Nguyễn Văn Linh nên cư dân xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh từ lâu “hết tiếng” là dân ngoại thành. Đặc biệt, từ khi có các khu dân cư mới như SADECO, Trung Sơn, Him Lam, bộ mặt xã Bình Hưng càng thêm văn minh, hiện đại hơn.

“Ở trong khu dân cư mới, nhiều lúc tôi tưởng mình cư ngụ ở một phường hơn là xã ngoại thành”- bà Trần Thị Minh, cư ngụ trong khu dân cư Trung Sơn (ấp 4B, xã Bình Hưng) chia sẻ. Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, cho biết diện tích tự nhiên của xã là 1.372 ha, nhưng hiện chỉ còn 200 ha là đất nông nghiệp, số còn lại là khu dân cư hiện hữu và các dự án dân cư mới hình thành.

Toàn xã có gần 63.000 dân với 12.880 hộ nhưng trong đó diện thường trú chỉ chiếm hơn 22%, còn lại là diện KT2, 3, 4. “Sắp tới hàng loạt khu dân cư mới hình thành ở khu Nam TP thì dân số sẽ tiếp tục tăng, vì thế áp lực về quản lý dân cư sẽ nặng hơn cho chính quyền địa phương”- ông Cần lo lắng.

Ở xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, tình hình cũng tương tự. Dọc đường Nguyễn Ảnh Thủ - con đường chính của xã - là hình ảnh khu phố buôn bán luôn sáng đèn, xe cộ tấp nập. Nhà cao tầng, nhà kiên cố mọc san sát nhau, siêu thị, nhà sách hoạt động rầm rộ. Ông Phạm Đức Nhân, Chủ tịch UBND xã, cho biết diện tích của xã chỉ 177,2 ha nhưng có đến 28.878 nhân khẩu, nhà sát nhà, không còn đất để sản xuất nông nghiệp.

Cơ chế quản lý không còn phù hợp

Với đặc điểm về kinh tế, hạ tầng kỹ thuật và quy mô dân số, các xã nêu trên đều được công nhận là xã đô thị loại 1. Ông Cần nhận định: “Ngay cả quy mô là xã đô thị loại 1 thì bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ hiện tại của địa phương vẫn chưa phù hợp, nói chi đến thực tế phát triển nhanh như hiện nay”.

Ông Cần đơn cử: Theo quy định, cấp xã không được bố trí đầy đủ công an chính quy nên hiện xã có 9 công an viên trên tổng số 24 công an khu vực trong khi xã có đến 12 ấp. Công an viên không được đào tạo nghiệp vụ bài bản như công an chính quy và lương cũng thấp hơn nên khó vận động họ gắn bó lâu dài với nghề.
 

Trên địa bàn xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, nhà cửa hiện đại được xây dựng ngày càng nhiều. Ảnh: T.Thạnh.


Đây cũng là nguyên nhân gần đây trên địa bàn xã xuất hiện nhiều vụ trọng án phức tạp cho thấy công tác quản lý địa bàn về an ninh trật tự chưa tốt. Cũng liên quan đến cơ chế chính sách, do xã không được biên chế cán bộ chuyên trách môi trường và dịch vụ thương mại nên UBND xã Bình Hưng phải bố trí cán bộ khác kiêm nhiệm: Cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi được giao “gác cửa” lĩnh vực dịch vụ thương mại trong khi bằng cấp chính của cán bộ này là... kỹ sư nông nghiệp!

Còn ông Nguyễn Toàn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, cho biết tính đến đầu năm 2009, dân số xã tăng gấp 2, 3 lần những năm trước, do đó việc quản lý an ninh, trật tự đô thị, trật tự xã hội rất phức tạp. Hiện tại xã Tân Xuân chỉ có 2 cán bộ là công an chính quy, còn lại là công an viên, mức lương chỉ khoảng 1.250.000 đồng/ người/tháng, đa số được tuyển từ ngoài vào, chưa qua đào tạo nghiệp vụ.

Táo bạo, nhưng có thể chấp nhận


“Hai năm trở lại đây, hầu hết người dân chuyển sang làm dịch vụ, thương mại và kinh doanh. Nếu “khoác áo” phường cho xã thì rất thích hợp và sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, giúp nâng cao mức sống người dân”- ông Phạm Đức Nhân, Chủ tịch UBND xã Trung Chánh, nhận định.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết tại cuộc họp với lãnh đạo Thành ủy mới đây, huyện đã kiến nghị TP cho cơ chế quản lý hành chính theo cấp phường đối với 5 xã: Trung Chánh, Bà Điểm, Thới Tam Thôn, Tân Xuân, Tân Thới Nhì vì tốc độ đô thị hóa nhanh và theo quy hoạch thì các xã này không còn đất nông nghiệp nữa.

Việc nâng từ xã lên phường sẽ giúp các xã bố trí đủ lực lượng công an chính quy, đội bảo vệ dân phố... để tăng cường quản lý an ninh trật tự tốt hơn. Tương tự, mới đây làm việc với HĐND TP, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Trọng Tuấn cũng mạnh dạn kiến nghị TP xem xét chấp thuận cho huyện thí điểm áp dụng cơ chế quản lý hành chính cấp phường đối với xã Bình Hưng.

Trước đề xuất này, không ít đại biểu HĐND đắn đo vì chưa có tiền lệ “phường thuộc huyện”. Tuy nhiên, theo lãnh đạo HĐND TP, chính vì là thí điểm nên đề xuất táo bạo cũng có thể chấp nhận được nhưng cần phải được HĐND TP xem xét cụ thể và lấy ý kiến của UBND TP.
 

Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM:

Phải được Chính phủ chấp thuận

Kiến nghị về một bộ máy quản lý hành chính mới phù hợp cho các xã đô thị hóa là hợp lý nhưng đề xuất cho áp dụng cơ chế hành chính phường cho xã phải được Chính phủ chấp thuận cho thí điểm bởi Luật Tổ chức HĐND-UBND không quy định cơ chế phường thuộc huyện. Ngay cả việc thí điểm bỏ HĐND quận-huyện-phường vừa qua cũng trên cơ sở quy định của Chính phủ chứ địa phương không thể tự quyết định. Những điều bất hợp lý về bộ máy hành chính không chỉ ở cấp quận- huyện mà ngay cả giữa tỉnh-TP cũng còn bất cập vì mặc dù tình hình thực tế ở địa phương khác nhau nhưng cơ chế hành chính lại giống nhau.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động