Theo kế hoạch, ngày 26-9 cầu Vĩnh Tuy sẽ được thông xe đưa vào sử dụng nối liền hai bờ bắc - nam sông Hồng. Dự án có tổng mức đầu tư gần 3.600 tỉ đồng với chiều dài vượt sông 3,7km.
Sơ đồ hướng lưu thông của các phương tiện giao thông qua cầu Vĩnh Tuy- Đồ họa: Vĩ Cường - Nguồn: Sở GTVT Hà Nội |
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, cầu Vĩnh Tuy được trông mong góp phần giảm áp lực cho cầu Chương Dương và tăng cường giao lưu phát triển kinh tế giữa Hà Nội và các tỉnh, TP trong khu vực kinh tế trọng điểm.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết nếu như trước đây các phương tiện từ Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên - tức từ cửa ngõ phía đông - muốn vào trung tâm TP phải đi hết quốc lộ 5 vào đường Nguyễn Văn Cừ, lên cầu Chương Dương để vào nội đô. Tuy nhiên áp lực quá tải, ùn tắc tại cầu Chương Dương và đường Nguyễn Văn Cừ đã cho thấy cảnh người dân và các phương tiện, xe tải phải xếp hàng dài, mất nhiều thời gian mỗi khi xảy ra ách tắc.
Hai hướng lên cầu
Đủ bốn làn xe Cầu Vĩnh Tuy được xây dựng trên địa bàn hai quận Long Biên và Hai Bà Trưng, có chiều dài tuyến chính gồm cầu vượt sông và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 5,8km. Trong đó, chiều dài cầu vượt sông Hồng 3,7km, chiều dài cầu vượt quốc lộ 5 là 364m, chiều dài tuyến chính hai đầu cầu 1.688m. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết trong giai đoạn I cầu có chiều ngang 19,25m, đủ bốn làn xe qua lại hai chiều. |
Theo ông Hùng, khi cầu Vĩnh Tuy được thông xe, các phương tiện từ Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên lên theo quốc lộ 5 có thể rẽ theo hai hướng để lên cầu Vĩnh Tuy. Hướng thứ nhất, các phương tiện có trọng tải trên 10 tấn từ quốc lộ 5 sẽ rẽ vào đường Thạch Bàn, qua đường Long Biên - Xuân Quan và đi vào đường 40m của dự án dẫn lên cầu Vĩnh Tuy, từ đó tới các đường Nguyễn Khoái, Minh Khai vào nội đô hoặc theo đường Nguyễn Tam Trinh ra đường vành đai tới Pháp Vân.
Hướng thứ hai, các phương tiện từ đường 5 có thể rẽ vào đường Nguyễn Văn Linh - đường trục Khu công nghiệp Hanel, tới đường 40m của dự án dẫn lên cầu Vĩnh Tuy để tới các đường Nguyễn Khoái hoặc Minh Khai. Ở chiều ngược lại, ông Hùng cho biết các phương tiện từ nội đô có thể theo đường Minh Khai, Nguyễn Khoái qua cầu Vĩnh Tuy tới đường 40m của dự án, qua đường trục Hanel, đường Nguyễn Văn Linh và từ đó ra quốc lộ 5.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, việc sớm đưa cầu Vĩnh Tuy vào sử dụng có lợi ích rất lớn về kinh tế và có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề giảm áp lực giao thông tại cửa ngõ phía đông TP (cầu Chương Dương). Một cán bộ ngành giao thông TP dẫn chứng nếu ước tính từ quốc lộ 5-đoạn Thạch Bàn qua cầu Chương Dương khoảng 9km, thì từ Thạch Bàn qua cầu Vĩnh Tuy khoảng 6km. “Với 3km ở cửa ngõ phía đông TP - tức phải qua cầu Chương Dương vào giờ cao điểm có khi phải mất 1-2 tiếng” - vị này nói.
Nối hai bờ sông Hồng
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, cầu Vĩnh Tuy là công trình được xây dựng bằng công sức, tiền của đóng góp của nhân dân thủ đô (mua công trái), là ước mong từ bấy lâu nay của nhân dân hai bên bờ sông Hồng và mong đợi của các cơ quan quản lý của TP.
Sau hơn bốn năm thi công, giám đốc Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn - đơn vị chủ đầu tư dự án cầu Vĩnh Tuy, ông Đặng Vũ Nhật Thăng, cho biết các hạng mục chính thuộc phần cầu vượt sông của công trình cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn I đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng cho sự kiện thông xe nối hai bờ bắc - nam sông Hồng.
Theo ông Thăng, để giảm quá tải, ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía đông đi vào trung tâm thủ đô, TP đã chỉ đạo phải đưa ngay một phần dự án cầu Vĩnh Tuy vào khai thác sử dụng. Tất cả phần việc hoàn thành đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu và cho phép đưa vào sử dụng.
Sau khi thông xe, ban quản lý dự án tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu thi công hoàn thiện các hạng mục đường gom, tuyến đường nối giữa cầu chính đến nút giao vượt quốc lộ 5 để hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6-2010.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO