Top

Lo ngại kiện tụng nếu thu hồi dự án BĐS

Cập nhật 12/02/2013 08:57

Thực hiện nghị quyết 02 của Chính phủ, nhiều địa phương đã tiến hành rà soát dự án bất động sản và có đề xuất tạm dừng, thu hồi. Đây được xem là giải pháp nhằm hạn chế nguồn cung. Tuy nhiên, nó dẫn đến hệ lụy gia tăng kiện tụng do nhiều dự án đã huy động vốn của khách hàng.

Theo báo cáo rà soát các dự án gửi Bộ Xây dựng, hiện Hà Nội còn 285 dự án đang tạm dừng triển khai để chờ quy hoạch phân khu. Trong đó, cũng đã lọc ra được 7 dự án vi phạm Luật đất đai và đã có quyết định thu hồi đất. Như vậy, trong đợt rà soát, số dự án cắt giảm của Hà Nội chỉ chiếm 4%. Theo Bộ Xây dựng, sau khi rà soát, các địa phương đề xuất số lượng dự án thu hồi tạm dừng quá ít. Qua thực tế kiểm tra, Bộ Xây dựng đang đề xuất mức dự án tạm dựng lúc này phải khoảng 30-40%, chứ không phải vài phần trăm như hiện nay mới có thể điều tiết lại cung cầu.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, vừa qua, các tỉnh, TP đặc biệt HN, TPHCM cấp phép các dự án rất ồ ạt và không cân đối nguồn lực, không cân đối thời gian, tiến độ, nguồn lực để thực hiện các dự án, mới gây ra tình trạng thừa dự án.

Để giảm nguồn cung ra thị trường, Bộ Xây dựng đã trình báo cáo rà soát toàn bộ các dự án trên toàn quốc. Trong đó, Bộ đang xem xét dừng, tạm hoãn một số dự án mới ở mức độ chưa giải phóng xong mặt bằng, hoặc đã đền bù giải phóng toàn bộ nhưng không có đủ vốn để triển khai xây dựng hạ tầng.

Đồng thời, để tránh lãng phí nguồn lực đất đai, Bộ Xây dựng cho phép chủ đầu tư các dự án này chuyển đổi tạm thời mục đích sử dụng sang mục khác để có thể khai thác kinh doanh trong thời gian tạm dừng. Như đất dự án chưa sử dụng có thể tạm thời chuyển mục đích sử dụng sang làm sân thể dục thể thao hay các khu kinh doanh thương mại khác....

Tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại về việc nhiều dự án phải đối mặt với những bất ổn kiện tụng. Bởi thực trạng chung là trong thời gian thi trường phát triển nóng, không ít các dự án đã huy động vốn của các đối tác, nhà đầu tư thứ cấp thậm chí cả người mua nhà trước và trong khi giải phóng mặt bằng.

Ông Nam cho rằng, theo luật pháp các doanh nghiệp chỉ được huy động vốn đối với nhà cao tầng đã xây xong móng và đối với nhà gắn liền đất trong các khu đô thị thì bắt đầu đầu tư xây dựng hạ tầng. Vì vậy, trong quá trình lựa chọn những dự án tạm dừng chúng tôi tập trung vào các loại dự án dự án mới đền bù giải phóng mặt bằng, mới đền bù một phần, đền bù toàn bộ hay dự án chưa đền bù giải phóng mặt bằng để tạm dừng.

Đối với những dự án huy động vốn của người dân thì không đặt vấn đề tạm dừng tuy nhiên có một thực tế mặc dù đã huy động một phần nhưng hiện nay khả năng huy động vốn ít hay vay ngân hàng để có tiền hoàn thiện dự án sẽ gặp khó khăn thì sẽ để chủ đầu tư tự thỏa thuận với khách hàng vì đây là hợp đồng dân sự.

Ông Nguyễn Thế điệp - chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Đức cho rằng, đây là chủ trương đúng tuy nhiên khi thực hiện Bộ Xây dựng cần có những cân nhắc để tránh tạo thêm những áp lực cho doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh khó khăn.

Theo đại diện UBND TP Hà Nội , việc ra quyết định tạm dừng các dự án hiện đang rất khó khăn. Do nếu làm sẽ bị doanh nghiệp kiện vì họ không vi phạm sẽ không thể bắt họ dừng dự án. Đó là chưa kể hiện vẫn chưa có quy định về tiêu chí dự án tạm dừng triển khai của Chính phủ, nên UBND TP Hà Nội cũng chưa có cơ sở pháp lý để yêu cầu dự án phải dừng triển khai. Muốn làm tốt nhiệm vụ này, thì Chính phủ và Bộ Xây dựng cần sớm có những hướng dẫn để địa phương có cơ sở pháp lý chuẩn thực hiện.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia