Ngay từ khi mới được “khai sinh”, gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng đã làm “nóng” không chỉ thị trường BĐS, mà “nóng” cả trong dư luận xã hội.
Bởi xét về mặt khách quan, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng này là giải pháp nhà ở cho người thu nhập thấp. Thậm chí có ý còn cho rằng, gói 30.000 tỷ đồng sẽ là cứu cánh cho thị trường BĐS trước nguy cơ “chết đuối”. Thế nhưng về mặt chủ quan và trong thực tế thì gói 30.000 tỷ đồng này vẫn còn bế tắc “đầu ra”.
“Ầm ĩ” đón đứa con 30.000 tỷ…
Từ ngày 15-5-2013, dư luận “nóng” lên khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BXD hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ; ngân hàng nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng đã công bố Thông tư số 11/2013/TT-NHNN qui định về cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02/2013/NQ-CP được công bố. Theo đó, kể từ ngày 1-6-2013 thì gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ bắt đầu “hoạt động”.
Doanh nghiệp (DN) háo hức vì thị trường BĐS như tìm được phao cứu sinh trong không khí ảm đạm từ bấy lâu nay. Người dân háo hức vì cơ hội sở hữu một chỗ ở vừa vừa. Tuy nhiên, người dân cũng lo lắng vì sợ bị chậm chân, chưa kịp tiếp cận gói hỗ trợ này đã bị “hết hàng”.
Dư luận còn lo ngại nảy sinh tiêu cực trong việc sử dụng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, đó là việc có thể sử dụng “quan hệ” trong việc tiếp cận gói hỗ trợ như hình thức chi % cho cán bộ ngân hàng. Từ đó có thể xảy ra tình trạng người có nhu cầu thì khó tiếp cận, người có thể tiếp cận lại không phải là người có nhu cầu thực sự; rồi nỗi lo việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ này để làm dịch vụ, trục lợi cá nhân…
Xét về khách quan, những nỗi lo đó cần quan tâm, nhưng không đáng quá lo ngại khi mà chúng ta đặt niềm tin vào các hệ thống ngân hàng với những cán bộ và nhân viên tận tâm, tận lực vì chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Và rồi, dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong giới doanh nghiệp BĐS và người dân có nhu cầu trở nên “ầm ĩ” khi chào đón sự “ra đời” gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng có thể nói là mang tính lịch sử đối với người dân thu nhập thấp.
Tuy nhiên, qua hơn 6 tháng, “đầu ra” cho gói 30.000 tỷ đồng còn đang mập mờ, khó khả quan trong việc triển khai. Thông tin của Bộ Xây dựng cho hay, tính đến giữa tháng 12-2013, thì tổng số tiền 5 ngân hàng được chỉ định cho vay gói 30.000 tỷ đồng, gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank và Ngân hàng CPTM Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long giải ngân chỉ mới đạt 555 tỷ đồng trên 1.654 tỷ đồng đã cam kết, tức chưa bằng 2% tổng nguồn vốn dự kiến.
30.000 tỷ bị "tắc" do khập khễnh giữa cung và cầu.
|
30.000 tỷ đồng là để hỗ trợ người thu nhập thấp chứ không phải là cứu cánh BĐS
Đó là giải thích của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị giao ban trực tuyến ngày 24-12 vừa qua. Mặc dù có chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc giải ngân của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vẫn còn chậm. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải thích: Gói này nằm trong chiến lược, hỗ trợ người dân nghèo có nhà ở. Mục đích chính của gói này là để hỗ trợ người nghèo vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, và nhà dưới 70m2 và dưới 15 triệu đồng/m2.
Đây không phải là gói cứu thị trường bất động sản. Tuy nhiên, gói này nếu thực hiện tốt thì nó cũng làm tăng cầu cho nền kinh tế và làm cho thị trường BĐS “ấm” lên, từ đó thúc đẩy những người có khả năng thanh toán mua nhà ở thương mại. Gói hỗ trợ thực hiện chậm do cần có nhiều doanh nghiệp tham gia và có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội, trong khi thủ tục vay chặt chẽ và ở nhiều địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc chưa hiệu quả.
Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: “Giá BĐS đã giảm mạnh, dần về giá trị thực phù hợp với khả năng thanh toán của nền kinh tế. Có dự án đã giảm giá đến 50%. Do giá trước đây là giá ảo nên các DN đã giảm giá để có khả năng thanh toán của người dân cùng với tiết giảm chi phí cơ cấu lại sản phẩm nhà ở”. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng lấy ví dụ tại Hà Nội, từ quý I/2013 đến nay như ở quận Cầu Giấy, giá chung cư trung cấp, cao cấp giảm 15%. Các khu vực Thanh Xuân, Hà Đông, khu Nam An Khánh cũng giảm khoảng 12 - 21%. Giá đất nền cũng đã giảm mạnh, như khu Nam An Khánh đã giảm 50% so với năm 2010.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 10-2013, trên phạm vi cả nước mới có 96 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, với quy mô 31.850 căn hộ, tổng mức đầu tư 8.820 tỷ đồng. Trong đó, có 34 dự án cho người thu nhập thấp, quy mô gần 18.800 căn hộ và 62 dự án cho công nhân, quy mô xây dựng 13.000 căn hộ. Trong khi gói 30.000 tỷ đồng là chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân thu nhập thấp cải thiện nhà ở. Và muốn giải ngân nhanh gói này, phải có nguồn cung lớn hoặc nhiều nhà ở dưới 15 triệu/m2, diện tích dưới 70m2 khi nhu cầu của người dân rất lớn. Đây chính là khó khăn do sự chênh lệch lớn giữ cung và cầu đối với nhà ở xã hội.