Top

Khi sân golf lấn ruộng vườn: Đã đến lúc phải dừng lại

Cập nhật 10/05/2008 08:00

Xung quanh vấn đề phát triển sân golf, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho rằng quá nhiều là không tốt. Ông nói:

Hiện chúng tôi đang rà soát lại. Một số sân golf thời gian qua hoạt động tốt nhưng mức độ, mật độ sân golf như thế nào nên tính lại cho hợp lý, phù hợp với bối cảnh của đất nước. Quan điểm một số nơi do nôn nóng vốn đầu tư nên dành rất nhiều đất nông nghiệp để lập sân golf nên xem lại.

* Các địa phương khi làm sân golf đều có xin ý kiến của Bộ Tài nguyên - Môi trường?

Đó là vấn đề qui hoạch chung. Bộ Tài nguyên - Môi trường không có thẩm quyền quyết có dành đất cho sân golf hay không. Chúng tôi chỉ cân đối đất đai.

Chuyện mở sân golf cần hỏi tiếp Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch xem qui hoạch của họ thế nào. Đất nước này cần bao nhiêu sân golf, đặt ở tỉnh nào cho hợp lý, diện tích mỗi sân golf khoảng bao nhiêu. Bộ Tài nguyên - Môi trường thường đi sau, cung cấp thông tin về hiện trạng sử dụng đất. Bài toán ở đây cuối cùng là bài toán về qui hoạch. Theo tôi, cần làm rõ đất nước cần bao nhiêu sân golf, sân golf cần đem lại hiệu quả kinh tế nhất định nào mới cấp phép.

Về phía Bộ Tài nguyên - Môi trường, trước mắt sẽ thúc đẩy qui hoạch lại diện tích trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước. Quan điểm của tôi là đất nông nghiệp để làm sân golf hiện nay đã nhiều, nên dừng lại ở một mức độ nhất định.

* Một số địa phương khẳng định họ dành đất cho sân golf nhưng vẫn đảm bảo sản lượng lương thực. Như vậy có nên để họ tiếp tục làm?



Ông Phạm Khôi Nguyên.

Sẽ phải rà soát, đánh giá xem có thật sự cần thiết không. Hướng chúng tôi sẽ chuẩn hóa lại qui hoạch, đất đảm bảo an ninh lương thực sẽ phải khoanh vùng đến từng thửa. Trước đây chúng ta có đề cập nhưng chưa làm được điều này. Tới đây, chỉ giới đỏ sẽ được khoanh đến từng thửa. Những thửa đất hai vụ trở lên này sẽ được bảo vệ chứ không thể lấy tùy tiện như hiện nay.

Theo tôi, phải tính toán tùy sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu thực của đối tượng chơi golf. Trong tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, nước biển dâng, sản lượng nông nghiệp có thể giảm, nếu không giữ đất làm nông nghiệp thì tương lai VN sẽ có những khó khăn không thể lường trước. Sân golf ở đâu còn tùy thuộc nhu cầu của khách. Nhiều nhà đầu tư muốn đặt sân golf tại đồng bằng, có nơi muốn phải có địa hình mấp mô, gò đồi, nhưng có sân người chơi lại muốn đánh qua sông, qua hồ. Nói chung, tôi cho rằng nên cân đối lại số lượng sân golf.

Sân golf dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật

Theo một chuyên gia đầu tư trong lĩnh vực sân golf, cỏ mặt sân golf cần rất nhiều nước. Một sân golf 18 lỗ (như sân golf Vân Trì) cần tới 150.000m3 nước sạch mỗi tháng - tương đương nhu cầu của 20.000 hộ gia đình. Để có thảm cỏ đẹp cho sân golf, người ta phải nhập một loài cỏ "quí tộc", cần chăm bón hết sức cầu kỳ với hàng loạt thuốc trừ nấm, trừ sâu, trừ cỏ dại và các loại phân hóa học khác.

Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), mỗi hecta sân golf sử dụng khối lượng hóa chất gấp ba lần so với canh tác nông nghiệp (khoảng 1,5 tấn/năm). Do ảnh hưởng của sử dụng hóa chất trong sân golf, gần như không thể thực hiện được chương trình quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM) tại các diện tích canh tác nông nghiệp xung quanh. Vì vậy sân golf đẹp thế nhưng rất ít thấy chim chóc lai vãng là do các loại hóa chất đã tiêu diệt gần như toàn bộ côn trùng trên sân.

Ông Hồ Hùng Vân (phó chủ tịch Hội Golf TP.HCM):

Chơi golf hiện chủ yếu là doanh nhân nước ngoài

Số lượng người chơi golf hiện còn rất ít dù đang tăng lên. Theo tôi biết số sân golf hoạt động hiệu quả, thu được tiền từ golf chỉ có sân golf ở Thủ Đức của Hoa Việt, hay sân Sông Bé. Sân Long Thành cũng thành công nhưng chủ yếu là ở khía cạnh bất động sản. Còn các sân golf khác như ở đồi Cù - Đà Lạt, ở Phan Thiết, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thì khách thưa thớt. Họ đầu tư vào sân golf kết hợp với bất động sản thì sẽ kiếm tiền nhanh. Với cảnh quan đẹp của sân golf, họ xây biệt thự sẽ bán được. Đây là trào lưu của khu vực châu Á.

Đa số người chơi golf là các doanh nhân nước ngoài đang có công ty hoạt động tại VN. Bên cạnh đó là khách của các doanh nhân này và khách du lịch. Số lượng doanh nhân VN chơi golf đang tăng. Khách du lịch từ các nước xung quanh đến chơi cũng có nhưng  chưa có điều kiện thống kê.

Các nước cũng không bao giờ lấy đất tốt để làm sân golf. Thường sân golf phải được xây dựng ở những nơi mà đất không canh tác nông nghiệp được, ở vùng đồi núi, thậm chí trong sa mạc… Ở VN, tôi nghĩ ngành chức năng chưa có cái nhìn đúng về môn thể thao này, hiểu biết chuyên môn trong lĩnh vực này cũng mơ hồ.

Ông Lê Việt Dũng (phó giám đốc Sở KH-ĐT Bình Dương):

Cung đã vượt quá cầu

Bình Dương đã có bốn sân golf và sẽ không bao giờ có sân golf thứ năm. Lãnh đạo tỉnh nhận thấy như vậy là đã đủ. Nếu nhìn rộng ra trong khu vực, chúng ta có quá nhiều sân golf. Theo tôi, cung hiện tại đã vượt xa cầu rồi.


Thành lập đoàn kiểm tra các dự án sân golf

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ đã thành lập đoàn và tiến hành đi kiểm tra đối với các dự án có liên quan đến sân golf tại các địa phương từ ngày 5-5. Tại khu vực phía Nam đoàn sẽ kiểm tra từ ngày 12 đến 19-5. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Kế hoạch - đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Văn hóa - thể thao & du lịch, Tài nguyên - môi trường và UBND các địa phương rà soát việc qui hoạch sân golf; tổng hợp đánh giá hiệu quả các dự án sân golf đã được cấp phép hoạt động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5-2008.