Thời gian gần đây, hầu hết các giao dịch bất động sản đều chững lại. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng đóng băng này chỉ mang tính chất tạm thời.
Công ty Quản lý và Tiếp thị Bất động sản CBRE Vietnam, cho biết ở TP HCM, các căn hộ ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng giảm giá nhẹ, căn hộ The Vista (quận 2) đầu tuần này có giá là 2.300-2.400 USD một m2, giảm khoảng 100 USD so với tuần trước. Các dự án căn hộ cao cấp tại quận 7 như BMC Hưng Long, Phú Hoàng Anh có giá giao dịch khoảng 1.300-1.800 USD, giảm khoảng 100 USD so với tuần trước.
Theo sàn giao dịch bất động sản ACBR, đất nền dự án cũng bán chậm hơn so với trước Tết, giá đất tại những khu vực được đánh giá cao như khu dân cư Sài Gòn (quận 9), Phú Lợi-Bình Điền (quận 8), khu dân cư Đông Thủ Thiêm (quận 2), Thới An (quận 12), hiện chỉ giao dịch ở mức 8-12 triệu đồng một m2, thấp hơn khoảng 12% nhưng cũng ít có giao dịch thành công.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng đóng băng các giao dịch chỉ là tạm thời ở vài phân đoạn thị trường như căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê và đất dự án khu đô thị mới. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vốn từ ngân hàng bị chặn lại, các nhà đầu cơ tạm thời ngưng giao dịch. Còn các công ty kinh doanh địa ốc mạnh vốn do nhận được sự cam kết toàn diện từ ngân hàng như Hoàng Anh Gia Lai Land, Công ty Địa ốc Đất Xanh… vẫn đang triển khai các dự án mới.
Hoàng Anh Gia Lai sẽ khởi động xây dựng 22.000 căn hộ khắp cả nước. Công ty Cổ phần Vincom cũng tiến hành dự án cụm liên hợp thương mại - văn phòng - khách sạn tại quận 1; Vinaland đang chuẩn bị triển khai xây dựng một khu 500 căn hộ cao cấp tại Phú Mỹ (quận 7).
Theo ghi nhận của giới đầu tư, bất động sản nhỏ lẻ vẫn đắt hàng, nếu không nói là chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở của giới có thu nhập trung bình và thấp. Tại sàn ACBR, giao dịch những lô đất nhỏ có giá từ 400 – 700 triệu đồng hoặc thấp hơn 1 tỷ đồng có xu hướng tăng. Nhu cầu căn hộ tầng thấp và có vị trí đẹp vẫn cao. Tuy nhiên, dạng căn hộ và những lô đất trên rất khó tìm mua, nếu có nhu cầu khách hàng phải đồng ý trả giá cao hơn 15 – 20%.
Giải thích về thực trạng này, TS Trần Kim Chung, Phó ban Khoa học quản lý, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho rằng, lý do thứ nhất là bởi nguồn tiền có khả năng thanh toán hiện khó khăn. Vì vậy, các chủ đầu tư nhỏ lẻ chỉ có thể chi trả cho các giao dịch có giá trị nhỏ. Hai là, các giao dịch lớn đang ngừng, chờ điều chỉnh, vì vậy chỉ có những giao dịch nhỏ lẻ mới được thực hiện. Ba là, thường các lô đất nhỏ ở vị trí trong ngõ hoặc vùng không liên quan gì đến các dự án phát triển.
GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, cũng nhận định tình trạng “đóng băng” chỉ là tạm thời. Ông cho rằng giá nhà đất, dù có giảm, vẫn ở mức rất cao do tình trạng đầu cơ và do đất đai nằm trong tay các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn trong và ngoài nước tham gia đầu tư với nguồn vốn khổng lồ. Tuy vậy thị trường vẫn trong tình trạng “hỏi thăm nhiều hơn mua”.
Theo một chuyên gia ở Vinaland thì trong tình hình hiện nay, rất ít nhà đầu tư gom hàng chờ thời cơ vì như vậy rất mạo hiểm. Tình trạng giữ hàng đầu cơ hiện nay ở một số dự án như An Phú – An Khánh, Thái An, Hưng Phú, Hưng Long chủ yếu là từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Các chuyên gia dự báo thị trường sẽ hồi phục trong thời gian tới nếu Chính phủ thông qua Nghị định 90 sửa đổi, cho phép Việt kiều và một số đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam. Mặt khác, tại diễn đàn bất động sản du lịch VNTPO 2008 vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhận định lạc quan về thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập WTO, vốn đầu tư rất lớn sẽ đổ vào Việt Nam, do đó nhu cầu về văn phòng cho thuê, khách sạn và căn hộ cao cấp sẽ tăng lên, tạo nên làn sóng tăng giá mới.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong quí một năm 2008, vốn đầu tư đăng ký tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực dịch vụ với vốn đầu tư hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 89,9% tổng vốn đầu tư, trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là các dự án kinh doanh bất động sản, khách sạn. TP HCM dẫn đầu cả nước với 4 dự án, tổng vốn đầu tư là 2,08 tỷ USD, chiếm 40,3% vốn đầu tư.
Đầu năm 2008, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, phát triển thị trường nhà đất, giao cho Bộ Tài chính, Bộ Công thương… nghiên cứu ban hành hạn mức sở hữu nhà và đất ở để xác định mức thuế, soạn thảo nghị định xử phạt các vi phạm hành chính trong kinh doanh bất động sản…Bộ Tài chính sẽ chủ trì nghiên cứu sửa đổi bổ sung Pháp lệnh về thuế nhà đất theo hướng đánh thuế lũy tiến đối với những trường hợp sở hữu nhiều nhà và đất.