UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) sớm hoàn thành quy chế quản lý kiến trúc dọc đại lộ Đông Tây, đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi và xa lộ Hà Nội để các địa phương và sở, ngành liên quan có cơ sở quản lý việc xây dựng dọc 3 tuyến đường này. Đó là 3 trục giao thông quan trọng của TPHCM, chạy xuyên qua khoảng 10 quận, huyện của thành phố. Xung quanh vấn đề này, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM.
Kiến trúc sư chọn kiểu kiến trúc
* Thưa ông, Sở QH-KT đã có ý tưởng hoặc quan điểm gì cho việc xây dựng quy chế quản lý kiến trúc dọc 3 tuyến đường trên?
* Ông Trần Chí Dũng: Sở QH-KT đã triển khai nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý kiến trúc dọc 3 tuyến đường này từ nhiều tháng qua và cho rằng đây là nhiệm vụ cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng bởi 3 trục đường này, đặc biệt đại lộ Đông-Tây đi qua những khu vực còn lưu giữ lại rất nhiều dấu ấn lịch sử hàng trăm năm của một Sài Gòn xưa và TPHCM ngày nay.
Chính vì vậy, quan điểm đầu tiên khi xây dựng quy chế quản lý này là không đóng khung trong nội bộ Sở QH-KT mà được đưa ra lấy ý kiến từ các nhà chuyên môn cho đến lãnh đạo các địa phương liên quan.
Đến thời điểm này, trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu có chọn lọc tất cả các ý kiến đóng góp, Sở QH-KT dự kiến sẽ đề xuất UBND TPHCM chọn lối kiến trúc hiện đại, đơn giản, ít chi tiết, nhẹ nhàng là ý tưởng, phong cách kiến trúc chủ đạo cho các công trình xây dựng dọc 3 tuyến giao thông nêu trên. Hạn chế các công trình có phong cách kiến trúc cổ điển, chi tiết kiến trúc rườm rà hoặc có nhiều phong cách lẫn lộn.
Nhà kiến trúc xưa và nay dọc đại lộ Đông Tây. Ảnh: Đức Thành.
|
*
Nhiều kiến trúc sư cho biết, trong phong cách kiến trúc hiện đại cũng có rất nhiều trường phái. Sở QH-KT dự định chọn trường phái nào?
Việc chọn trường phái nào còn tùy vào các chủ đầu tư hoặc kiến trúc sư của từng công trình cụ thể, Sở QH-KT không quy định “cứng” mà dành “đất này” cho các kiến trúc sư “dụng võ”. Một sự đa dạng sẽ làm phong phú hơn cảnh quan kiến trúc của thành phố.
Tất nhiên, để cho sự đa dạng này không rơi vào tình huống lộn xộn, “chỏi” nhau, Sở QH-KT lưu ý các kiến trúc sư một số vấn đề như sau: Các công trình lân cận nhau nên sử dụng cùng một loại vật liệu xây dựng có chất lượng cao, màu sắc trang nhã, nhẹ nhàng, tốt nhất là cùng màu sơn hoặc màu sơn hài hòa với nhau cho mặt ngoài công trình.
Sở không khuyến khích sử dụng vật liệu có màu đậm, màu sặc sỡ có độ phản quang cao khi xây dựng mặt ngoài công trình. Đặc biệt, sở sẽ khuyến cáo các địa phương, sở ngành liên quan không cấp phép xây dựng công trình tạm bợ (tranh tre, nứa, lá) ở các khu đất tiếp giáp các trục đường chính.
Về cơ bản, kiến trúc nhà liên kế trong khu dân cư hiện hữu ở cả 3 tuyến đường này sẽ được thực hiện theo Quyết định 135 của UBND TPHCM về quản lý kiến trúc nhà liên kế. Kiến trúc các công trình cao tầng có tính chất điểm nhấn, được xây dựng trên những khu đất rộng sẽ được Hội đồng kiến trúc TPHCM xem xét cụ thể cho từng trường hợp.
Tái dựng hình ảnh “trên bến dưới thuyền”
*
Các di tích lịch sử như công trình bến bãi, kho tàng, những biệt thự được xây dựng từ thời Pháp… sẽ được bảo tồn như thế nào?
UBND TPHCM đã giao cho Hội Kiến trúc sư cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng tiêu chí về bảo tồn những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa… Trên cơ sở này, việc bảo tồn công trình nào, bảo tồn ra sao trên 3 trục đường sẽ được xem xét cụ thể từng trường hợp.
Tuy nhiên, riêng với việc phát triển đô thị ở khu vực đại lộ Đông-Tây, Sở QH-KT đang nghiên cứu để tái hiện được không khí “trên bên dưới thuyền” của một Sài Gòn xưa, làm điểm nhấn kiến trúc cảnh quan cho cả khu vực đồng thời góp phần phát triển du lịch cho thành phố. Dọc bờ kênh Tàu Hũ-Bến Nghé sẽ được cải tạo trồng cây xanh hoặc các tiểu cảnh đẹp nhằm biến nơi đây trở thành một khoảng không gian công cộng cho người dân đến thư giãn.
*
Hiện tại, dọc 3 tuyến đường này, đặc biệt là đại lộ Đông Tây và xa lộ Hà Nội đã có không ít dự án phát triển đô thị đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Vậy quy chế quản lý kiến trúc đang được sở nghiên cứu xây dựng có áp dụng cho các trường hợp trên không, thưa ông?
Quy chế này (khi chính thức được UBND TPHCM ban hành) sẽ điều chỉnh công tác xây dựng của tất cả các công trình kiến trúc ở 3 trục đường này. Tuy nhiên, về cơ bản sẽ không có sự xáo trộn lớn đối với các dự án đã có quy hoạch bởi khi xây dựng quy chế, Sở QH-KT cùng các đơn vị liên quan có tham khảo các quy hoạch này. Nhiều ý kiến từ thực tế đã được những người soạn thảo quy chế tiếp thu.
Đơn cử, khi những người soạn thảo đề nghị tầng trệt của tất cả các công trình nhà ở mặt tiền đường phải lùi vào vài mét để có không gian cho hoạt động thương mại. Các địa phương góp ý không nên áp dụng cho tất cả, bởi nhiều nơi người dân đã xây nhà. Những người soạn thảo đã điều chỉnh lại: quy định này chỉ áp dụng cho những khu vực tập trung các hoạt động thương mại.
*
Cảm ơn ông!
Đất dưới 15m² không được xây dựng
Trong dự thảo quy chế quản lý kiến trúc 3 trục đường có điều khoản: những khu đất sau giải tỏa có diện tích nhỏ hơn 15m² sẽ không được cấp phép xây dựng. Khuyến khích chủ sử dụng đất bán đất cho hộ kế cận hoặc UBND quận vận động đền bù nốt phần diện tích còn lại. Đối với những khu đất có diện tích từ 15-36m² nhưng không đủ chuẩn cấp phép xây dựng thì phải hợp khối (nếu muốn xây dựng)
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng