Top

Hà Nội: “gỡ rối” trong giải phóng mặt bằng

Cập nhật 29/06/2007 19:00

Những vấn đề nóng bỏng liên quan đến quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, bất cập trong tính giá bồi thường, xét cấp “sổ đỏ” đối với những trường hợp đất không giấy tờ... sẽ được xử lý bằng những qui định cụ thể.

UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Tài nguyên - môi trường & nhà đất trong tháng 7-2007 phải có qui định hướng dẫn chi tiết.

Người bị thu hồi đất… bớt thiệt

Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) TP Hà Nội Nguyễn Đức Biền cho biết trước đây những qui định về trách nhiệm của nhà đầu tư với người dân trong quá trình thu hồi đất chưa rõ ràng nên nhiều dự án GPMB kéo dài, gây lãng phí và bức xúc cho người dân. Có những dự án mất gần ba năm vẫn chưa GPMB xong, người dân thì khiếu kiện, trong khi doanh nghiệp và chủ đầu tư cũng mệt mỏi.

Tại một số quận, huyện không ít dự án khi UBND có thông báo yêu cầu người dân phải ngừng sản xuất để tiến hành kiểm đếm tài sản trên đất trước khi lên phương án bồi thường. Nhưng khi người dân ngừng sản xuất cả năm trời, chủ đầu tư dự án vẫn loay hoay vì thiếu vốn phục vụ GPMB. Hậu quả là đất sản xuất bỏ hoang để cỏ mọc, còn người dân ngậm ngùi ngóng đợi tiền đền bù.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), những vấn đề về bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất sẽ được xử lý tại những qui định chi tiết NĐ/84-CP. Cụ thể, mỗi khâu, mỗi giai đoạn đều có những yêu cầu công khai, mốc thời gian thực hiện cụ thể. Theo đó, ngay khi có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án, chính quyền phải niêm yết công khai tại trụ sở, các điểm sinh hoạt khu dân cư để người dân cùng biết. Thậm chí, người bị thu hồi đất và những người có liên quan còn được tham gia ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Ông Bùi Ngọc Tuân, phó vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN-MT), cho biết thêm những bất hợp lý trong tính giá đối với đất không có giấy tờ khi thu hồi đất cũng sẽ được tháo gỡ. Quan điểm xử lý lần này là đất có cùng tình trạng pháp lý như nhau thì xử lý như nhau, không phân biệt đã hay chưa được cấp giấy.

Giảm bớt giấy tờ

10 loại giấy xác định thời điểm sử dụng đất

Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất; biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quyết định hoặc bản án của tòa án đã có hiệu lực, quyết định thi hành bản án của cơ quan thi hành án về tài sản trên đất; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực;

Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký và xác nhận của đại diện của các bên; giấy tờ về đăng ký hộ khẩu trường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà; giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất; bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ; bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của UBND cấp tại thời điểm kê khai đăng ký.


Trả lời câu hỏi của một số quận huyện về việc xét cấp “sổ đỏ” cho những thửa đất không có giấy tờ, ông Bùi Ngọc Tuân cho biết NĐ/84-CP sẽ sửa chữa thiếu sót này với một điều nói về “đất sử dụng ổn định”. Theo đó, không quan tâm tới việc thửa đất đó đã chuyển nhượng bao nhiêu lần, mà chỉ tính đến việc đất đã sử dụng cho một mục đích chính nhất định, kể từ thời điểm đã bắt đầu sử dụng tới thời điểm được cấp “sổ đỏ”. Cụ thể, có mười loại giấy tờ để xác định thời điểm sử dụng đất và người dân chỉ cần một trong mười loại giấy tờ đó là có thể chứng minh được nguồn gốc đất, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường & nhà đất Hà Nội Vũ Văn Hậu cho biết trước đây sở đã có các qui định về cấp “sổ đỏ”, mới đây là “giấy hồng”. Tuy nhiên, trong tháng 7-2007 sở sẽ xây dựng qui định hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận phù hợp với NĐ/84 sắp có hiệu lực.

Song, theo lãnh đạo TP Hà Nội, hiện NĐ/84-CP vẫn còn những điểm “vướng”, khó thực hiện. Cụ thể, điều 48 của nghị định qui định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp, khi không nhận được bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng có nguyện vọng nhận bồi thường bằng đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh phi nông nghiệp, hoặc được bồi thường bằng giao đất ở có thu tiền sử dụng đất tại các khu tái định cư.

Cũng có ý kiến cho rằng qui định diện tích 30% là quá nhỏ, không thực tế. Nếu xét theo trên 30% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi quĩ đất tái định cư không thể đáp ứng nổi khi thực hiện GPMB. UBND TP cũng chỉ đạo ban chỉ đạo GPMB TP, Sở Tài nguyên - môi trường & nhà đất tổng hợp những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để TP báo cáo Chính phủ.


X.LONG - Q.ANH
Theo Tuổi Trẻ