Nhiều năm trở lại đây, tình trạng lấn đất nông nghiệp để xây dựng lò gạch và nung gạch đã tăng lên rất nhanh tại các huyện Duy Tiên, Lý Nhân của tỉnh Hà Nam, hiện con số lò gạch đã hơn 230 lò. Nơi đây được mệnh danh là “vựa gạch” đất Bắc. Các lò gạch đang “góp sức” làm cho mùa màng thất bát triền miên và không khí nơi đây trở nên ngột ngạt vì khói bụi.
Vào vùng “vua”...
“Các chú sang mạn sông Hồng mà xem, lò gạch mọc lên như nấm rơm, họ thi nhau “xẻo” đất bãi để làm gạch. Bãi đã xuất hiện hàng trăm hố to như ao, hồ... Nhiều hố sâu tới hàng chục mét, rất nguy hiểm cho người và súc vật khi sẩy chân xuống đây”, cô Nguyễn Thị Dỡ người làng Dĩ Phố, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên bức xúc. Đi trên đoạn đường đê ven sông Hồng nhìn về mạn sông, chúng tôi nhìn thấy hàng chục lò gạch đang thi nhau nhả khói thẳng lên trời, làn khói tung lên xám xịt cả một vùng.
Không thể đi xe vào bãi làm gạch - do đường lầy lội và rất nhiều ổ trâu, ổ voi, chúng tôi đành đi bộ. Tại đây, các máy làm gạch vẫn đua nhau gào thét vang cả vùng, chúng nhai nghiến ngấu những thớ đất khổng lồ và chỉ sau vài giờ đồng hồ là cả hàng trăm mét khối đất biến thành những viên gạch vuông vắn.
Đi không quá 800m, tôi nhẩm đếm được hơn 200 hố sâu, hàng trăm cồn đất sét nguyên liệu được chất cao và không biết bao nhiêu triệu viên gạch đang đợi ngày vào lò. Tôi chỉ biết, ở đây các nhà chứa và sân phơi gạch, họ tận dụng từng tấc đất.
Riêng hai xã Mộc Bắc và Mộc Nam của huyện Duy Tiên đã có tới trên 120 lò gạch, đấy là chưa kể một số xí nghiệp gạch hoạt động với quy mô lớn tại đây. Ở huyện Lý Nhân, con số này cũng không kém cạnh, trên 100 lò gạch, tập trung chủ yếu tại các xã Nhân Thịnh, Đạo Lý, Hòa Hậu. Tất cả đều hoạt động thường xuyên.
Điều rất đáng buồn, các lò gạch đều không có ống khói đạt tiêu chuẩn mà chỉ xây dựng theo kinh nghiệm nên việc khói lò lan tỏa khắp mọi nơi là điều thường thấy tại đây. Đặc biệt những hôm trời có sương mù, khói từ các lò gạch “chạy” về khu dân cư không khác gì… bác nông dân đang hun chuột trong hang.
Điều rất chung, các lò gạch tại Hà Nam đều nằm chạy dọc ven sông, gần khu dân cư và đất nông nghiệp. Than đá, củi dùng đốt lò đều được các chủ lò tập kết tại bãi. Không chỉ vậy, xỉ than sau khi ra lò, họ cho máy ủi và thuê lao động san lấp xuống các hố vừa lấy đất làm gạch mà không có biện pháp xử lý nào để bảo vệ môi trường.
Cho nên khi trời mưa, các phế phẩm này “tuôn” ra mạn sông Hồng. Một chủ lò ở xã Mộc Nam cho chúng tôi biết, đầu tháng 7 vừa qua, nước sông Hồng dâng cao nên một số lò đã dừng hoạt động, chỉ đợi vài ngày nữa thì tất cả sẽ lại đua nhau “nhả khói”.
Được một, mất… mười!
Tháng 3-2008, UBND tỉnh Hà Nam đã cho phép Công ty TNHH Xuân Tuấn khai thác diện tích đất ven bãi sông Hồng, thuộc xã Mộc Nam để sản xuất gạch xây dựng. Công ty Xuân Tuấn đã tập hợp tất cả các chủ lò gạch trước đây vào hoạt động theo hình thức cổ phần. Không rõ chính quyền tỉnh Hà Nam có biết rằng khi mà các lò gạch này đi vào hoạt động “rầm rộ” sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân?
Hàng trăm héc ta đất nông nghiệp đang bị “xẻ thịt” để lấy đất làm gạch, hàng triệu cây nhãn của người dân nằm trong diện bị khói lò gạch “ôm” hàng ngày nên năng suất và chất lượng giảm đi rất nhiều.
Nhãn Mộc Nam, Mộc Bắc của tỉnh Hà Nam chất lượng ngon không thua kém nhãn lồng Hưng Yên nhưng không rõ vì nguyên nhân gì mà chất lượng nhãn giảm rất nhanh, người dân thì cho rằng thủ phạm chính là do khói từ các lò gạch gây nên! Những thửa ruộng trồng cây dong, húng, ngô, đậu xanh... thường xuyên bị chết, những cây sống sót thì năng suất rất thấp. Các bệnh về hô hấp, đường ruột của con người tăng cao, đặc biệt là bệnh mắt, mũi... ở người già và trẻ nhỏ.
Cách đây không lâu, lò gạch ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân đã “thiêu cháy” gần 5ha lúa. Thời gian gần đây do giá gạch xây dựng tăng cao, một số hộ dân đã “mạnh dạn” biến đất lúa thành đất làm gạch, vô tình nhiều người nông dân vì chút lợi nhuận trước mắt đã “đổ” đi nồi cơm của mình, để rồi những hố sâu đó sẽ trở thành những ao bị bỏ hoang hóa.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Hà Nam nên cân nhắc bài toán có nên cho phép các chủ lò gạch tiếp tục hoạt động hay không. Bởi khi mạo hiểm với bài toán “được một, mất… mười” này, gánh chịu hậu quả nặng nhất vẫn là người nông dân.
Tỉnh Hà Nam nên chấm dứt việc cấp giấy phép hoạt động cho các chủ lò ở ven sông Hồng để đảm bảo môi trường nước và không khí nơi đây. Đồng thời, từng bước hỗ trợ người nông dân cải tạo các hố, ao do lấy đất làm gạch trước đây thành ao nuôi cá, chăn nuôi theo mùa vụ để tránh lũ sông Hồng về và bảo vệ môi trường.
Hà Nội: Giá gạch tăng 400% so với năm trước
Những ngày này, giá gạch đặc giao tại lò khu vực Hà Nội “mới” đã được các chủ lò “hét” tới 1.400đ/viên (loại A, đẹp mã và nung đủ độ nhất). Nếu cộng cả tiền kiêu (xếp) và chuyên chở thì khi nhận tại công trình, người mua đang phải chịu giá xấp xỉ 1.600đ/viên, không thấp hơn thời điểm giá gạch lên đến đỉnh (tháng 3-2008) là bao nhiêu! Thế nhưng, gạch ra đến đâu vẫn hết đến đấy, các lò không có nhiều mà bán, vì sắp bước sang “mùa xây dựng”.
Trong khi đó, được biết thời điểm này so với khoảng 2 tháng trước đây, giá gạch đặc loại A1 của Công ty CP gạch ngói Thạch Bàn giao trên phương tiện vận tải của người mua theo báo giá của Bộ Xây dựng khu vực Hà Nội vẫn không thay đổi nhiều (khoảng 1.725 - 1.788đ/viên đã bao gồm thuế GTGT). Giá gạch đặc của Công ty CP Cầu Đuống bán tại khu vực Hà Nội vẫn duy trì ở mức 1.700 - 1.800đ/viên suốt vài tháng trước đến nay.
Như vậy, so với thời điểm này năm ngoái, gạch đặc của các lò nung thủ công tại ngoại vi Hà Nội đã tăng gần 400%, “khủng khiếp” nhất trong các loại vật liệu xây dựng. Trong khi đó, Bộ Xây dựng từng khuyến cáo người dân nên sử dụng gạch không nung để bảo vệ môi trường, tuy nhiên người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng gạch này, đồng thời giá thành gạch không nung vẫn cao, chưa cạnh tranh.
Theo SGGP 12G