Quy định “Trung tâm môi giới bất động sản có ít nhất 1 người có chứng chỉ môi giới, định giá” không được giám sát. Tại khu vực ven đô Hà Nội, những "cò đất ngoài luồng" mặc sức làm giá vì ngoài hoa hồng 2%, môi giới được hưởng lên đến 50% đối với phần phụ trội.
Đất ven đô âm thầm giữ giá
Anh Nguyễn Văn Tuấn, làm môi giới đất đai ở Thịnh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội khẳng định, giá bán đất tại nhiều khu vực thuộc các quận vùng ven Hà Nội không những không xuống mà còn có xu hướng nhích dần từ năm ngoái đến nay.
Ví dụ, đất thổ cư khu vực Văn Phú (Hà Đông) ăn theo dự án khu chung cư, siêu thị Văn Phú, và quyết định về Hà Nội, đã âm thầm tăng từ 5 triệu đồng/m2 giữa năm 2007 lên 12 triệu/m2. Đất tại khu vực Khương Hạ, Thanh Xuân duy trì mức 18-22 triệu đồng/m2. Đất khu vực Xuân Phương, Thụy Phương, thời điểm này năm trước chỉ dao động từ 4-8 triệu đồng/m2. Sau gần 1 năm thị trường ảm đạm, hiện nay các cò đất khu vực này ra giá từ 8-12 triệu đồng/m2 cho những vị trí chỉ có xe máy vào được, còn đất nằm ở những vị trí có thể kinh doanh nhỏ, cũng có giá không dưới 15-20 triệu đồng/m2.
Theo một số trung tâm môi giới tại khu vực Cầu Diễn (Từ Liêm), Thanh Xuân, dù thị trường sụt giảm, giao dịch ảm đạm, nhưng giá đất tại những khu vực này không giảm do thị trường vẫn còn nhu cầu cao đối với những mảnh đất giá rẻ, hợp túi tiền nhiều người có nhu cầu thực sự.
Ngoài ra, những người bán đất đa số là đất “của nhà trồng được”, chủ đất thấy giá cao thì sẻ bớt đất thổ cư, đất vườn, bán lấy tiền mua sắm, hoặc chia thừa kế, vì vậy họ luôn chờ được giá mới bán chứ không chịu sức ép trả lãi vay, đáo hạn ngân hàng để bán đổ bán tháo.
Theo ông Phạm Sĩ Liêm, Tổng hội Xây dựng VN, thị trường bất động sản sụt giảm, giao dịch ảm đạm nhưng giá đất không xuống. Lẽ ra, giá bất động sản xuống thì giá đất phải xuống. Tuy nhiên, giá đền bù tại các dự án vẫn rất cao. Khi bất động sản xuống giá nhưng không có dự án nào hạ được giá đền bù.
Tuy nhiên, thực tế, giá đền bù hiện nay vẫn quá thấp so với giá thị trường, hầu hết các dự án, chủ đầu tư sau khi đền bù đã phát giá lên trời, cao gấp hàng chục lần giá đền bù, thu siêu lợi nhuận.
"Cò đất" tung hoành làm giá
“Một ngách 5 ông cò đất” là thực tế đang diễn ra tại các vùng ven Hà Nội, nơi đất cát đang là điểm nhằm đến của nhiều người có nhu cầu thực sự và cả những người có tiền muốn đầu cơ. Đất vùng ven đô thường có diện tích lớn, nhiều chủ đất muốn bán bớt để có tiền mua sắm, xây dựng nhà cửa. Hiện tượng này khiến "cò đất "mọc" lên ùn ùn "như nấm sau mưa".
Trong vai những người có nhu cầu mua đất, chúng tôi lân la về những vùng được coi là giá thấp, dễ bán trong thời điểm hiện nay. Một người dân tại khu vực Cầu Diễn cho biết, giờ đây muốn mua đất, hầu hết đều thông qua "cò" chứ không còn mấy người có đất tự đứng ra bán nữa.
Tỉ lệ ăn chia 1% giá trị giao dịch mà cả bên bán và bên mua "nộp" cho "cò" nếu mua bán thành công là món thu nhập béo bở mà không nghề lao động nào có được, lại nhàn rỗi. Một thửa đất bán được 500 triệu đồng, "cò" sẽ được hưởng 10 triệu đồng, trong đó mỗi bên "cúng cò" 5 triệu đồng. Lê la hàng nước cả tháng, chỉ cần dắt mối được 1, 2 mảnh là "cò" có vài chục triệu bỏ túi.
Thông thường "cò" nhận dắt mối cho mảnh đất nào thường kiêm luôn vai trò tư vấn giá cả cho chủ đất, và thông thường để có lợi cao, "cò" đẩy giá lên cao hơn mức giá chủ dự định bán. Thậm chí phần vượt giá gốc, "cò" được hưởng 50%. Vì vậy, nhiều nơi, "cò" tha hồ làm giá.
Chỉ cần một tấm biển xiêu vẹo treo đầu ngõ, hoặc ngoài đường nơi nhiều người qua lại, số điện thoại và vài dòng quảng cáo đơn giản, "cò đất" làm việc bất cứ khi nào có khách yêu cầu. Thậm chí, nếu khách chưa ưng ý, có thể liên hệ lại thường xuyên để có thông tin mới, chấp thuận thì mua. "Cò" rất "tận tình" chỉ dẫn cho đến khi tiền trao cháo múc mới lấy hoa hồng.
Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định, tổ chức, cá nhân muốn lập trung tâm môi giới bất động sản, phải có ít nhất một người môi giới có chứng chỉ môi giới, định giá bất động sản. Tuy nhiên, hầu hết các trung tâm tự phát tại các vùng ven đô hiện nay đều chỉ có một vài người môi giới xuất thân từ nông dân vừa thoát khỏi chiếc cày do hết đất canh tác. Hầu hết các “nhân viên môi giới bất động sản” này không quan tâm, thậm chí chưa từng nghe nói đến các quy định này.
Theo ông Phạm Sĩ Liêm, Tổng hội Xây dựng VN, dù luật đã quy định như vậy, nhưng việc thực thi trên thực tế như thế nào thì không ai quan tâm cả. Việc giám sát, kiểm soát các hoạt động môi giới, định giá bất động sản hiện nay chưa thấy đâu.
Vì thế, một phần lớn hàng hoá của thị trường bất động sản vẫn đang nằm trong tay giới đầu cơ, môi giới, và bị mặc sức thao túng, làm giá.
Theo Vietnamnet