Top

Giảm nhiệt thị trường BĐS: Xem xét sự cân đối giữa kiềm chế lạm phát và phát triển

Cập nhật 21/04/2008 12:00

Báo cáo của Bộ Xây dựng trong cuộc họp giữa Chính phủ và các tỉnh phía Nam bàn về biện pháp kìm chế lạm phát cho biết, việc giảm nhiệt thị trường bất động sản (BĐS) sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế và làm gia tăng thêm mất cân đối cung cầu thị trường, vốn đã căng thẳng do áp lực đô thị hóa và đầu tư, xuất hiện nguy cơ làm giảm việc làm... do vậy cần xem xét cân đối giữa kiềm chế lạm phát và phát triển.

Mặt trái của thị trường bất động sản

Theo Bộ Xây dựng, cuối 2007 đầu 2008 thị trường BĐS tại TP. HCM và Hà Nội và các tỉnh lân cận có những diễn biến phức tạp, giá một số chủng loại hàng hóa ở một số khu vực nhất định tăng đột biến. Theo thống kê, giá của những căn hộ chung cư cao tầng ở TP. HCM và Hà Nội đến cuối tháng 1, đầu tháng 2/2008 đã tăng 50% so với năm 2006.

Bên cạnh nhu cầu thực tế về nhà ở và văn phòng cho thuê thì phần lớn là do đầu cơ mua đi bán lại hoặc tích trữ tài sản. Giá văn phòng cho thuê ở nước ta hiện đứng thứ 17, giá căn hộ đứng 30 trên thế giới. So với mức thu nhập của người dân thì mức giá trên là không phù hợp.

Hiện tượng hạ nhiệt chỉ thực sự bắt đầu khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát như : rút bớt tiền trong lưu thông, kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS, tăng lãi suất cho vay lên 14-16%/năm và chủ trương thực hiện điều chỉnh một số sắc thuế liên quan đến BĐS để hạn chế đầu cơ. Giá nhà đất hiện đã giảm 15-20%, số lượng giao bán tăng nhưng số lượng giao dịch thực tế không đáng kể, thị trường có dấu hiệu chững lại.

Bộ Xây dựng đánh giá, việc hạn chế cho vay đầu tư kinh doanh BĐS và tăng lãi suất cho vay tuy có tác dụng hạn chế đầu cơ BĐS, góp phần làm giảm nhiệt thị trường nhưng cũng làm các chủ đầu tư khó khăn trong việc huy động vốn. Theo báo cáo, trong vòng một tháng (từ 22/2 - 20/3/2008), hầu hết các chủ đầu tư không vay được tiền từ ngân hàng.

Trước tình hình đó, nhiều chủ đầu tư tạm dừng đầu tư, nhiều đơn vị thi công cũng tạm dừng do giá vật liệu tăng quá cao so với lúc nhận thầu. Việc giảm nhiệt thị trường BĐS sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế và làm gia tăng thêm mất cân đối cung cầu thị trường, vốn đã căng thẳng do áp lực đô thị hóa và đầu tư, xuất hiện nguy cơ làm giảm việc làm trong ngành xây dựng…do vậy cần xem xét cân đối giữa kiềm chế lạm phát và phát triển.

Mặt khác, do lợi nhuận cao trên thị trường BĐS nên đã thu hút hầu hết các công ty, các tập đoàn kinh tế lớn tham gia kinh doanh BĐS bằng cách lập các công ty cổ phần kinh doanh BĐS, nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Hầu hết các ngân hàng đều có quỹ hoặc công ty kinh doanh BĐS, xuất hiện đầu tư nội bộ khó kiểm soát. Việc tăng nhanh tín dụng của các ngân hàng thương mại cho thị trường BĐS làm giảm nguồn lực cho các ngành đầu tư khác cũng làm cho thị trường BĐS thiếu tính bền vững.

"Thuốc chữa "

Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật, các cơ chế chính sách đảm bảo cơ chế đồng bộ, thống nhất đồng thời tháo gỡ những khó khăn trên để thị trường BĐS phát triển. Tăng cung hàng hóa BĐS nhất là nhà ở, văn phòng, xưởng cho sản xuất kinh doanh để chủ động bình ổn thị trường theo quy luật cung cầu, đồng thời góp phần thực hiện chính sách xã hội.

Đặc biệt, cần tập trung thực hiện các biện pháp công khai minh bạch và lành mạnh các giao dịch trên thị trường BĐS đồng thời từng bước hoàn thiện cơ cấu của thị trường BĐS. Sớm điều chỉnh bổ sung một số loại thuế và lệ phí liên quan đến thị trường BĐS theo hướng khuyến khích sử dụng có hiệu quả BĐS, phát triển mạnh các giao dịch…

Bộ Xây dựng cũng cho rằng, nên khẩn trương rà soát, lập danh mục thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư BĐS, nhất là các dự án phát triển nhà ở, văn phòng cho thuê, khu đô thị mới, khu công nghiệp… để hạn chế đầu tư dự án đầu tư không hiệu quả, đồng thời ưu tiên giải quyết các thủ tục đầu tư, cung cấp tín dụng cho các dự án  phục vụ nhu cầu thiết yếu của  dân sinh và phát triển kinh tế.

Mặt khác, cũng phải đẩy mạnh chương trình phát triển nhà ở xã hội để cho các đối tượng là công chức, cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân khu công nghiệp thuê và thuê mua theo quy định của Luật Nhà ở. Coi chỉ tiêu phát triển nhà ở hàng năm, trong đó có chỉ tiêu phát triển diện tích nhà ở xã hội là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương. Quan tâm hỗ trợ các cán bộ nghèo ở vùng nông thôn, cải thiện nhà ở theo các chương trình mục tiêu của Chính phủ và địa phương.

Theo Bộ TN - MT