Nhà thì vẫn thế, nhưng giá "leo thang". |
Giá nhà trọ tăng chóng mặt khiến nhiều sinh viên ở nhà thuê ví von: "Giá nhà trọ "phi" nhanh hơn giá xăng" bởi so với thời điểm này năm trước, giá nhà trọ ở Hà Nội đã tăng tới 20%.
Cuối tháng 8, đầu tháng 9 là thời điểm mà các tân sinh viên đã lên làm thủ tục nhận trường, nhận lớp và bắt đầu “rục rịch” tìm chỗ ở. Vào thời điểm này, nhiều nhà trọ tại khu vực xung quanh các ĐH như phố Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Phùng Khoang chật kín.
Nếu như năm trước, một phòng trọ có diện tích 10 m2, vệ sinh chung chỉ có giá 500.000 đồng một tháng thì sang đến đầu năm học này, giá đã “leo” đến 750.000 đồng một tháng. Ngay cả ở những khu từ trước đến nay vẫn được coi là khá “mềm” như Phùng Khoang, giá nhà cho thuê cũng tăng từ 550.000 đồng một tháng lên 650.000 đồng một tháng.
Giá nhà trọ tăng chóng mặt khiến nhiều sinh viên ở nhà thuê ví von: "Giá nhà trọ "phi" nhanh hơn giá xăng". Những sinh viên này tính toán, so với thời điểm này năm trước, giá nhà trọ tăng khoảng 20%, trong khi giá xăng tăng 9%.
Ở các khu nhà trọ “sang” hơn, có khu vệ sinh khép kín, giá nhà cũng đã tăng lên đáng kể. Nguyệt, một sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền, cho biết, một phòng trọ có diện tích từ 13 m2 đến 15 m2 sẽ có giá trung bình khoảng 1,5 triệu đồng một tháng. Theo Nguyệt, vào thời điểm hiện tại, tìm được một nhà trọ có giá dưới một triệu đồng là điều “không tưởng”. “Nhà có giá dưới một triệu thì không thể ở được”, Nguyệt than vãn.
Không chỉ tăng giá thuê nhà, các mặt hàng khác trong phạm vi nhà cho thuê cũng "phi mã" ăn theo. Giá điện ở nhiều nhà trọ tăng từ 3.000 đồng một kW lên 3.700 đồng một KW, giá nước tăng từ 30.000 đồng lên 34.000 đồng mỗi người một tháng.
Giá nhà tăng, giá nước, điện... cũng lên cao, khiến sinh viên phải hạn chế nhu cầu sinh hoạt. |
Hương Giang, sinh viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia, thuê nhà trọ ở khu Thanh Xuân hai năm nay. Sau đợt nghỉ hè, Giang quay lại thì được thông báo phải đóng thêm một khoản phí vệ sinh mới! Khoản phí này trước đây được tính chung trong giá thuê nhà nhưng năm nay chủ nhà lại "bắt" mỗi người phải đóng thêm 10.000 đồng cho tiền vệ sinh.
Giá cao vẫn "cháy" phòng
Giá tăng vù vù nhưng sinh viên vẫn phải chấp nhận vì vào thời điểm hiện tại nhiều nhà trọ gần như chật kín, không còn phòng cho thuê.
Thúy, một sinh viên vừa ra trường, đưa em gái là tân sinh viên ĐH Đông Đô lên Hà Nội tìm nhà trọ từ đầu tháng 7. Nhưng, sau gần hai tháng, hai chị em mới tìm được nhà trọ.
Các khu nhà trọ đều đã kín người ở. |
Nhà trọ mà hai chị em Thúy mới thuê nằm trên đường Nguyễn Phong Sắc nối dài. Thúy cho biết, khi tìm đến khu trọ này, chỉ còn một căn phòng duy nhất còn trống. Căn phòng Thúy ở có diện tích 15 m2, phải sử dụng chung khu vệ sinh và bể nước chung với hơn 20 nhà khác trong cùng dãy nhà trọ, giá thuê là 1,1 triệu đồng một tháng. Cộng thêm tiền điện mỗi số 3.000 đồng, tiền nước và tiền vệ sinh hết 70.000 đồng, một tháng hai chị em đã tốn hết “tròm trèm” hai triệu đồng.
Thấy giá cao, ban đầu Thúy có ý xin giảm giá tiền nhưng bà chủ cho biết đây đã là giá chung, “không chịu được thì mời đi nơi khác”. Đã thấm thía cảnh “chạy đôn chạy đáo” tìm nhà suốt một tháng nay nên Thúy “bấm bụng” chấp nhận.
Quả thật, vào thời điểm hiện tại để tìm được một căn phòng trọ “tạm được” chẳng khác nào “mò kim đáy bể”. Mến, sinh viên Học viện Báo chí, hơn một tháng nay đi khắp các khu cho thuê trọ ở Hà Nội, nhưng đến thời điểm này, Mến vẫn chưa tìm được nhà. Theo một chủ nhà trọ trên đường Nguyễn Phong Sắc, thời điểm này, các sinh viên đã quay trở lại trường học, các tân sinh viên cũng bắt đầu làm thủ tục nhập học nên các phòng trọ đều đã “vào guồng”, rất hiếm có phòng còn trống.
Nhà trọ "đắt hàng" khiến nhiều nhà đua nhau xây phòng cho thuê. |
Nhu cầu nhà trọ tăng cao khiến nhiều nhà có đất ở Hà Nội bắt đầu xây dựng những khu nhà trọ mới để cho thuê. Một sinh viên trọ trong ngõ Dương Quảng Hàm (quận Cầu Giấy), cho biết, nhiều nhà trong ngõ, dù không có đất rộng, nhưng cũng xây nhiều tầng, để cho sinh viên thuê. Bà Chung, hiện có hai dãy nhà trọ riêng cho sinh viên thuê cũng tiến hành xây dựng thêm một nhà 5 tầng nữa để “mở rộng kinh doanh”.
Khi được hỏi vì sao không xây sớm hơn, từ đầu tháng trước để đón các sinh viên, bà Chung cho biết, nhu cầu thuê nhà trọ đang ở mức cao, nên không lo thiếu người ở. “Xây sớm hay xây muộn cũng không quan trọng, cứ xây lên là có người ở”, bà Chung tự tin nói.
Những ngôi nhà được xây chủ đích cho thuê mà không để ở luôn có cùng "mẫu số": đơn giản tối đa, tường mỏng, sàn đá hoa, có gác xép và... chung nhà vệ sinh.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt