Phải bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường dọc trục đường này.
Ngày 30-3, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chủ trì cuộc họp về việc xây dựng quy chế quản lý kiến trúc dọc ba trục giao thông quan trọng của TP: đại lộ Đông Tây, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi và xa lộ Hà Nội.
Kết nối với đường sông
Kênh Bến Nghé - Tàu Hủ (đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8) từng là một địa chỉ giao thương gắn liền với lịch sử phát triển của TP. Sau một thời gian bị “chết” do ô nhiễm, nay tuyến kênh này dần “sống” lại nhờ các dự án chỉnh trang, thu gom và xử lý nước thải. Việc hình thành đại lộ Đông Tây chạy dọc tuyến kênh cộng với việc chỉnh trang, giải tỏa nhà trên kênh rạch (như rạch Ụ Cây ở quận 8) sẽ làm tăng thêm giá trị khai thác về kinh tế, xã hội của tuyến kênh.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu quy chế quản lý kiến trúc dọc đại lộ Đông Tây phải tính đến những điều kiện để phát triển du lịch và giao thông thủy dọc tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, thậm chí kéo dài ra kênh Đôi - Tẻ. “Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé nằm dọc đại lộ Đông Tây, đi qua nhiều công trình cổ của TP rồi nối thông về miền Tây Nam Bộ. Đây không chỉ là ưu thế về cảnh quan, môi trường, du lịch mà còn là một tuyến giao thông thủy quan trọng kết nối TP với các tỉnh miền Tây” - ông Quân nhấn mạnh.
Trục đại lộ Đông Tây chạy dọc kênh Đôi - Tẻ có nhiều thuận tiện để kết hợp giữa giao thông bộ, giao thông thủy và du lịch. Ảnh: MP |
9 km xe điện mặt đất cặp đại lộ Đông Tây
Tuyến đường đại lộ Đông Tây bắt đầu từ điểm giao xa lộ Hà Nội (ngã ba Cát Lái, quận 2) đến nút giao thông quốc lộ 1A (giáp ranh giữa quận Bình Tân và huyện Bình Chánh). Trục đường này dài hơn 20 km, đi qua các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP được Thủ tướng phê duyệt, tuyến xe điện mặt đất số 1 (từ Sài Gòn - Bến Thành - Bến xe Miền Tây) có tổng chiều dài 12 km, trong đó một đoạn dài 9 km sẽ đi cặp với đại lộ Đông Tây, tại đoạn dọc kênh Bến Nghé - Tàu Hủ.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP