Top

Dự án cải tạo KTT Nghĩa Tân: 3 năm “giậm chân” tại chỗ!

Cập nhật 30/07/2007 14:00

3 năm trôi qua kể từ khi được UBND TP giao làm chủ đầu tư nghiên cứu, lập phương án quy hoạch, cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội toàn khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) nhưng những gì mà Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội làm được mới dừng ở khâu điều tra xã hội học.

3 năm chưa xong quy hoạch!

Ông Nguyễn Đức Sơn - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, dự án cải tạo khu tập thể Nghĩa Tân có tổng diện tích đất nghiên cứu là 29,23 ha.

Trong đó diện tích đất xây dựng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương là 12.600m2; diện tích xây dựng trường mầm non là 13.828 m2; trường tiểu học là 4.721m2; trường trung học là 11.562m2; khu dịch vụ là 14.459m2; sân vận động là 17.905m2; diện tích nhà chia lô 3 tầng là 46.391m2... Diện tích sẽ thực hiện phá dỡ xây dựng mới là 131.106m2, bao gồm 4 khu nhà 2 tầng, 2 khu nhà 3 tầng và 22 khối nhà 5 tầng đã xuống cấp.

Ông Sơn cho biết, hiện tại dự án đã cơ bản hoàn thành việc điều tra xã hội học, khảo sát hiện trạng kiến trúc các công trình, tình trạng xuống cấp, cấp độ công trình, hiện trạng sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật của toàn khu trong phạm vi nghiên cứu. “Chúng tôi đang xúc tiến các phương án về việc thuê tư vấn nước ngoài, có thể là Singapore hoặc Hàn Quốc để lập quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 hy vọng có thể trình UBND thành phố vào cuối năm nay” - ông Nguyễn Đức Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, khó khăn lớn nhất của chủ đầu tư khi tiến hành cải tạo các khu chung cư cũ (chủ yếu nằm trong nội thành, các khu dân cư đông đúc) hiện nay không phải là việc “người dân không đồng thuận” mà chính là việc các chỉ số về quy hoạch, đặc biệt là hệ số sử dụng đất đang bị khống chế ở mức thấp.

“Hệ số sử dụng đất nếu cho phép dưới 8 lần là rất khó để chủ đầu tư có thể xoay xở đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước như yêu cầu trong Nghị quyết về cải tạo chung cư cũ của thành phố” - ông Sơn nói.

Hiện tại, Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đang xin điều chỉnh hệ số sử dụng đất khu Nghĩa Tân. “Nếu được chấp thuận thì không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ xây dựng những khu nhà chung cư 3-5 tầng xập xệ hiện nay thành những cao ốc 40-50 tầng, thậm chí là hơn nữa” - ông Sơn nói.

Tại... chính sách?!

Theo điều tra xã hội học của Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, các căn hộ trong phạm vi dự án hiện có diện tích trung bình 18-20m2. Ông Nguyễn Đức Sơn đề nghị: “Thành phố nên có cơ chế hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà và hạ tầng xã hội để làm thế nào người dân khi tái định cư trong các căn hộ mới có diện tích tối thiểu 45m2 (theo quy định của Bộ Xây dựng – PV) sẽ không phải trả tiền”.

Ông Sơn lý giải, nếu có được những hỗ trợ này thì không phải một mà tất cả các khu chung cư cũ sẽ được cải tạo lại một cách nhanh chóng và thuận lợi.

Cũng theo Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, trong khu vực dự án đang tồn tại khoảng 4,6ha đất là nhà chia lô được xây dựng, ăn ở ổn định, đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở.



Khu tập thể Nghĩa Tân ngày một xuống cấp.


Theo lý giải của chủ đầu tư dự án, việc xen kẽ các khu vực khó có thể di dời này cũng như việc nghiên cứu quy hoạch là vướng mắc lớn cho các nhà đầu tư khi nghiên cứu và điều tra lấy ý kiến thăm dò các hộ dân theo nguyên tắc 2/3 các hộ đồng thuận.

Ngoài ra, việc bố trí di chuyển tạm các hộ dân với một số lượng lớn cũng là một khó khăn nếu không có sự hỗ trợ của thành phố về quỹ nhà, trong điều kiện phải đảm bảo hạn chế sự thay đổi, ổn định cuộc sống của người dân trong thời gian thi công. Ngoài ra nhiều vấn đề trong chính sách hỗ trợ, di dời cũng còn nhiều vướng mắc, chưa khuyến khích được người dân trong khu vực dự án.

Không chỉ bức xúc về sự chậm trễ của dự án cải tạo khu tập thể Nghĩa Tân, người dân sống tại đây còn bức xúc về việc 20 năm nay toàn bộ khu tập thể chưa biết chính xác thuộc về địa phương nào!? Về địa giới hành chính, khu tập thể này thuộc xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, các tòa nhà do Bộ Quốc phòng quản lý nhưng con người lại do UBND quận Cầu Giấy quản lý.

Chính vì không biết đích xác đơn vị nào quản lý nên những bức xúc về nhà cửa, hạ tầng kỹ thuật, xã hội của người dân trong khu vực nhiều năm nay không có người giải quyết thấu đáo. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các tòa nhà nhanh chóng xuống cấp sau nhiều năm sử dụng.

Theo Kinh Tế & Đô Thị