Mặt đất kín, doanh nghiệp mày mò đầu tư xuống "cõi âm". Nếu không nhanh có một "Quy chuẩn công trình ngầm đô thị" thì e sau này sửa sai cũng mệt - đó là lý do Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) vừa khẩn trương hoàn thành dự thảo quy chuẩn này, lấy ý kiến đóng góp trước khi "chốt".
Nếu hỏa hoạn là "nỗi ám ảnh" thường trực của các công trình trên mặt đất, thì đối với các công trình ngầm, độ cảnh giác với "giặc lửa" còn được đề cao gấp bội. Bốn chương của dự thảo "Quy chuẩn công trình ngầm đô thị Việt Nam" đã dành rất nhiều điều để quy định các biện pháp phòng cháy và thoát hiểm khi xây dựng tổ hợp thương mại - dịch vụ, bãi đỗ xe và đường giao thông trong lòng đất.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ thông tin về các quy chuẩn bước đầu đặt ra đối với tổ hợp thương mại - dịch vụ và bãi đỗ xe ngầm (những công trình thời gian gần đây được các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt và nghiên cứu, lập dự án khá nhiều).
Hầm giữ xe và khu vực thương mại - dịch vụ: Không lẫn lộn!
Theo Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, do phải tuân thủ các nguyên tắc thiết kế hiện hành liên quan tới các đặc điểm đặc biệt như: cấp, thoát nước, thông gió, cấp điện, hệ thống thông tin liên lạc, chiếu sáng, phòng chống cháy nổ và thoát hiểm, đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho người và phương tiện trong quá trình thi công, vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm - nên tuyệt đối không được bố trí khu vực thương mại, dịch vụ trong hầm giữ xe.
Các công trình, tổ hợp thương mại - dịch vụ ngầm được hiểu như một phần của hệ thống phục vụ công cộng của đô thị, bao gồm: các nhà, công trình dân dụng đơn hoặc đa chức năng, đứng riêng lẻ hoặc tổ hợp của chúng, một tầng hoặc nhiều tầng, xây mới hoặc xây thêm bên dưới nhà và công trình hiện hữu, được sử dụng như một cơ sở phục vụ sinh hoạt, dinh dưỡng, buôn bán, văn phòng, thể thao, văn hoá, văn nghệ, sức khoẻ cho cộng đồng và kho tàng các loại.
Còn các bãi đỗ xe ngầm đô thị - kích thước cũng như khoảng cách của chúng đến nhà và công trình gần nhất phải được xác định dựa trên yêu cầu cụ thể của quy hoạch xây dựng đô thị và tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Bãi đỗ xe ngầm có thể bố trí một phần dưới mặt đất và một phần bên trên (tầng ngầm và tầng trên mặt đất thông với nhau, trong đó có dùng phần mái của công trình này) đặt bên cạnh hoặc trong căn nhà có chức năng khác tại các tầng hầm, tầng đáy (hoặc tầng một) của chúng.
Tuy nhiên, khi đặt bãi xe ngầm bên trong hoặc cạnh nhà có chức năng khác thì phải có hệ thống kỹ thuật độc lập. Bãi xe ngầm được phép bố trí tại các nơi không có công trình xây dựng, dưới các lối đi, dưới đường phố, quảng trường, vườn hoa, sân cỏ mà không được phép bố trí gần trường học, nhà trẻ, bệnh viện nội trú, nhà nghỉ, ký túc xá. Song, có ý kiến thắc mắc: "gần" ở đây được hiểu là bao xa?
Bãi đỗ xe ngầm cũng không được phép đặt tại những vùng bảo vệ của sông và hồ chứa. Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng lưu ý: Việc thiết kế tất cả các công trình ngầm đô thị đều phải tính toán, nghiên cứu đảm bảo cho người tàn tật dễ dàng tiếp cận, sử dụng.
Đề phòng "giặc lửa": Cực nghiêm ngặt!
Công trình, tổ hợp thương mại - dịch vụ ngầm phải có ít nhất 2 lối thoát lên mặt đất. Khi chiều cao lên mặt đất vượt quá 3.5 m cần thiết kế thang cuốn phụ trợ cho thang bộ. Các tầng ngầm sử dụng để ở phải ngăn với các tầng phục vụ khác qua tầng kỹ thuật. Hệ thống xả nước thải sinh hoạt bắt buộc phải có.
Cáp và dây điện trong công trình, tổ hợp thương mại - dịch vụ ngầm phải có vỏ không bắt cháy. Đồng thời, lưới điện phục vụ chống cháy phải độc lập và có độ tin cậy cấp I, bậc chịu lửa của công trình ngầm bên dưới nhà và công trình có công năng khác không được nhỏ hơn của nhà và công trình trên nó, phải được ngăn cách bằng các tường, vách ngăn chống cháy và có bậc chịu lửa cũng không nhỏ hơn bậc I.
Các kết cấu chịu lực của công trình, tổ hợp thương mại - dịch vụ ngầm (tường, khung) phải có giới hạn chịu lửa không dưới 120 phút.
Mỗi vùng ngăn cháy (không quá 10.500m2 diện tích sàn đối với kho; 6.000m2 đối với khu dịch vụ ăn uống, văn hóa, thể thao; 3.500m2 đối với khu vực thương mại và 2.500m2 đối với khu dịch vụ sinh hoạt) cần có không dưới 2 cửa thoát hiểm và khoảng cách tới của thoát hiểm gần nhất không quá 50m. Số lượng cửa thoát hiểm phải được xác định bằng tính toán chứ không "ngẫu hứng"!
Tất cả các bãi đỗ xe ngầm đều không được phép xây nhiều tường ngăn chia ô để làm chỗ giữ xe. Trong bãi đỗ xe ngầm trên 2 tầng, cửa ra từ các tầng ngầm để vào cầu thang và cửa ra từ thang máy cần phải đi qua cửa đệm áp lực khi cháy.
Khoảng cách giữa cửa ra - vào của bãi xe ngầm và tường hồi của nhà ở không được nhỏ hơn 7,5m (khi bãi ít hơn 10 xe) đến 26m (khi đến 300 chiếc), của nhà công cộng là 7,5m và 18m; của trường phổ thông, nhà trẻ là 11 - 38m; của cơ sở chữa bệnh là 18 - 38m.
Hệ thống thông gió trong các bãi xe ngầm phải tách riêng cho từng tầng. Thiết bị đo nồng độ CO và tín hiệu kiểm tra CO cần đặt ở phòng trực ban suốt 24 giờ trong ngày. Những người có trách nhiệm phải đánh giá thường xuyên ô nhiễm không khí do chất thải của xe (SO, CO, CH, NOx) trong bãi ngầm cũng như sự trao đổi không khí ở đó theo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
Bãi đỗ cần bố trí giếng thoát khói thông với vùng khói có tổng diện tích không quá 900m2 cho mỗi tầng ngầm. Giếng thoát khói cần có giới hạn chịu lửa không ít hơn 1 giờ, ở 400oC không ít hơn 2 giờ. Bãi ngầm có 2 tầng trở lên phải thiết kế các phòng đệm ở tất cả các tầng hoặc phải xem xét việc thoát khí cháy trong các giếng cầu thang hay giếng thang máy. Đường cấp nước chống cháy nội bộ cần tách riêng khỏi hệ thống cấp nước trong nhà.
Cháy chạy đâu?
Dự thảo quy định vùng ngăn cháy cho bãi xe ngầm có diện tích sàn không lớn hơn 3000m2 và phải sử dụng hệ thống tự động điều khiển báo và chữa cháy (được phụ trợ bằng hệ thống chuông báo động). Bãi đỗ xe ngầm nhiều tầng phải bố trí hệ thống dập cháy tự động.
Bãi xe ngầm từ 2 tầng trở lên (trên 100 xe) cần đặt hệ thống thông tin và chỉ hướng thoát nạn khi cháy trong đó bao gồm: trạm điều độ hướng chạy, thiết bị loa phóng thanh và đường thông tin, chỉ dẫn bằng ánh sáng hướng chạy ra cửa thoát. Trạm điều độ này được khuyến cáo không nên đặt phía dưới tầng một của tầng ngầm và phải có lối đi trực tiếp ra ngoài hoặc ra cầu thang để ra ngoài.
Bãi xe ngầm phải có thiết bị dập lửa sơ cứu, có lớp sơn chống cháy đặc biệt trên bề mặt kết cấu và phải định kỳ sơn lại hoặc thay lớp khác theo thời hạn sử dụng. Lối thoát nạn gần nhất khi cháy không quá 40m khi có 2 cửa thoát nạn và không quá 25m khi là đường cụt.
Khả năng hoạt động của hệ thống kỹ thuật chống cháy (vòi nước chống cháy, vòi phun, máy bơm chống cháy, tín hiệu báo cháy, hệ thống thoát khói, thông tin cho người biết khi cháy, thiết bị đóng/mở các lối thoát hiểm) cần được kiểm tra ít nhất 1 lần/tháng, có biên bản kiểm tra với sự tham gia của đại diện cơ quan phòng cháy chữa cháy nhà nước.
Cùng với đó, các công trình, tổ hợp thương mại - dịch vụ ngầm cũng phải được trang bị các thiết bị tự động dập cháy, hệ thống thông tin và điều khiển thoát hiểm khi xảy ra sự cố (đặc biệt khi cháy), gồm: chốt điều khiển, mạng phóng thanh, đường dây liên lạc và các chỉ dẫn lối thoát hiểm. Hướng dẫn thoát hiểm phải thực hiện bằng các biển báo có chiếu sáng, được nối trực tiếp với mạng thông tin thoát hiểm và vận hành tự động.
Khi ban hành, đây sẽ là những quy chuẩn kỹ thuật chung, cấp quốc gia, phải được tuân thủ để bảo đảm an toàn, thuận tiện khi khai thác sử dụng, đồng thời bảo vệ môi trường; lợi ích, an ninh cũng như nhiều yêu cầu thiết yếu khác trong hoạt động kinh tế xã hội.
Theo VietNamNet