Top

Đất đai - Vẫn còn đó nỗi lo của doanh nghiệp

Cập nhật 12/07/2007 11:00

Hàng năm, một số lượng lớn doanh nghiệp (DN) mới ra đời. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2007, có khoảng 24.000 DN đăng ký với số vốn 170.000 tỷ đồng (tăng 1,2% về số lượng DN so với cùng kỳ năm ngoái), cả năm 2007 sẽ có khoảng 50.000 DN thành lập - đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký 350.000 tỷ đồng.

Sự gia tăng số lượng lớn DN đã làm gia tăng nhu cầu đối với đất cho mục đích công nghiệp và thương mại để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, các điểm bán lẻ ...Tiếp cận đất với giá cả minh bạch, thủ tục đơn giản là thách thức không nhỏ đối với những DN tư nhân hiện nay.

Nguồn cung hạn chế

Sự khan hiếm đất dành cho kinh doanh cũng như tác động của sự thiếu hụt này lên giá cả được coi là những cản trở đối với sự tăng trưởng của DN hiện nay. Nhiều DN mong muốn được giao đất hoặc thuê đất từ Nhà nước (thông qua chính quyền các tỉnh) để đảm bảo mảnh đất mình được sử dụng đã "nằm trong quy hoạch", không bị đòi lại trước thời hạn và có thể yên tâm đầu tư xây dựng nhà xưởng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, quỹ đất công hạn chế và kênh giao đất hay thuê đất trực tiếp từ chính quyền tỉnh hầu như chỉ dành cho các DN quy mô lớn (đa phần là các dự án đầu tư nước ngoài có nhu cầu lớn về diện tích đất) - các DN tư nhân không tận dụng được kênh này. Theo số liệu mới nhất về kinh nghiệm tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho thấy, cứ 4 DN thì chỉ có 1 DN được giao đất hay thuê đất trực tiếp từ Nhà nước và 75% số DN đang trong thời kỳ tăng trưởng thừa nhận rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của họ là việc thiếu đất.

Thông tin thị trường chủ yếu qua mối quan hệ cá nhân

Trong hội thảo mới đây công bố về chỉ số minh bạch của thị trường bất động sản do tập đoàn Jones Lang LaSalle thực hiện, Việt Nam được xếp là 1 trong 3 nước (Việt Nam, Venezuela và Ai Cập) đứng cuối danh sách do thiếu minh bạch về thông tin thị trường cũng như bảo hộ các quyền liên quan đến bất động sản. Hơn một nửa số DN trong khảo sát khẳng định, họ chủ yếu dựa vào nguồn thông tin của nhân viên trong công ty và quan hệ cá nhân để tìm đất xây dựng nhà xưởng - chưa có cơ chế hỗ trợ (dịch vụ) giúp DN tìm đất sản xuất. Hơn 50% DNNVV được khảo sát cho rằng, tìm được một mảnh đất thích hợp trên thị trường thứ cấp là rất khó, 66% DN thành công trong việc tìm đất đều phải thông qua kênh quan hệ cá nhân.

Bên cạnh đó, mối lo ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư hiện nay, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ có cơ sở sản xuất kinh doanh nằm ngoài các khu công nghiệp, là sự thay đổi đến chóng mặt và trong nhiều trường hợp không thể đoán trước được của công tác quy hoạch sử dụng đất - hậu quả là họ có thể bị mất quyền sử dụng đất do quy hoạch thay đổi và đất của họ thuộc diện bị Nhà nước thu hồi.

Những DN không đủ khả năng vào các khu công nghiệp hay đứng ra mua lại những mảnh đất lớn của các hộ gia đình thì giải pháp duy nhất là đi thuê lại của tư nhân hay thuê "chui" lại của các DNNN. Tuy nhiên, nếu thuê của tư nhân phải chấp nhận thời gian thuê ngắn. Do đó không khuyến khích các nhà đầu tư bỏ tiền xây dựng hay cải tiến nhà xưởng. Thuê "chui" lại đất của DNNN cũng rất rủi ro do chưa có khung pháp lý điều chỉnh.

Thủ tục còn phức tạp

Một khảo sát DN mới đây do Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương thực hiện cho thấy, quá trình tìm mặt bằng sản xuất là phức tạp nhất trong các loại thủ tục hành chính để thành lập DN, thủ tục kéo dài và tốn kém. Thông thường để được Nhà nước giao đất, DN phải trải qua 7 thủ tục với thời gian trung bình khoảng 230 ngày và qua rất nhiều cơ quan liên quan. Nhiều DNNVV khẳng định trong khi có được đất trên thị trường thứ cấp chỉ mất chưa đến 7 ngày thì thủ tục đăng ký giao dịch và xin cấp GCNQSD đất rất phức tạp và tốn nhiều thời gian.

Gần đây các trung tâm đăng ký đất được thành lập ở hầu hết các tỉnh thành đã góp phần giảm bớt thủ tục rườm rà nhưng thời gian cấp GCNQSD đất và các giao dịch liên quan đến đất vẫn chưa được cải thiện là mấy. Mức độ không hài lòng của DN đối với riêng quá trình cấp GCNQSD cũng khá cao, trong đó phần lớn DN phàn nàn về thời gian xử lý của cơ quan chính quyền là quá dài. Điều này là hoàn toàn trái với quy định về thời gian trong luật định và các văn bản thi hành.

Theo Hanoinet