Top

Công chứng tư: Được quyền chứng giao dịch nhà đất, chứng khoán

Cập nhật 21/12/2008 08:40

Luật Công chứng năm 2006 sử dụng thuật ngữ “tổ chức hành nghề công chứng” dùng chung cho cả phòng công chứng và VPCC.

Tại TP.HCM đang có tám văn phòng công chứng (VPCC) tư đăng ký hoạt động. Theo Luật Công chứng năm 2006, thẩm quyền, chức năng của VPCC và các phòng công chứng nhà nước đều như nhau. Nghĩa là các phòng công chứng được chứng nhận giao dịch nào thì VPCC được chứng nhận giao dịch đó. Thế nhưng đối chiếu với Luật Đất đai năm 2003, các công chứng viên tư đang bị vướng khi chứng các hợp đồng mua bán, thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, mua bán cổ phiếu...

Sợ bị “bẻ giò”

Một giám đốc ngân hàng thương mại cho biết nhiều ngân hàng đang quay lưng với công chứng tư vì lý do rất khách quan. Điều 130 Luật Đất đai quy định hợp đồng mua bán, thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước. Do vậy, các ngân hàng dù rất muốn đến với VPCC nhưng sợ bị “bẻ giò”, dễ dẫn đến các hệ quả pháp lý rắc rối khó lường nên không dám.

Công chứng viên Nguyễn Thị Tạc, VPCC Nguyễn Thị Tạc, nói: “Không chỉ riêng Luật Đất đai mà nhiều văn bản khác cũng hạn chế quyền của VPCC. Chẳng hạn văn bản hướng dẫn việc mua bán cổ phiếu, xác định số dư tài khoản chỉ dành cho công chứng nhà nước hay việc mua bán dự án thì Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng đề nghị các bên liên quan liên hệ các phòng công chứng chứ không đề cập đến VPCC. Trong các trường hợp đó, VPCC không dám chứng vì sợ chứng sai có thể bị tòa hủy hợp đồng, phải bồi thường cho khách hàng. Chúng tôi phải hướng dẫn các bên quay lại các cơ quan ban hành văn bản để nhờ ghi thêm câu nước đôi như “liên hệ các tổ chức hành nghề công chứng” thì mới dám chứng”.

“Công chứng nhà nước”: Đã xưa!

Theo một số công chứng viên các phòng công chứng, nếu căn cứ Luật Đất đai thì VPCC chỉ được chứng nhận giao dịch liên quan đến nhà, không chứng được đất. Khổ nỗi nhà thường gắn liền với đất nên vô tình hạn chế luôn quyền chứng nhận giao dịch về nhà của VPCC trong khi Luật Nhà ở năm 2005 không hạn chế công chứng tư.

Công chứng viên Phan Văn Cheo nhận định Luật Đất đai ban hành năm 2003, khi đó Luật Công chứng có quy định về công chứng tư chưa ra đời nên mới có chuyện tréo ngoe trên. Tuy nhiên, ông cho rằng Luật Công chứng là luật chuyên ngành chứng nhận các giao dịch liên quan đến bất động sản nên theo nguyên tắc, công chứng viên phải thực hiện theo Luật Công chứng chứ không phải tuân theo Luật Đất đai.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nói: “Hiểu VPCC không được chứng nhận các hợp đồng, giao dịch liên quan đến đất là hiểu sai. Trước đây, Luật Đất đai căn cứ theo Bộ luật Dân sự nên sử dụng chữ “công chứng nhà nước”. Luật Công chứng năm 2006 không còn sử dụng thuật ngữ “công chứng nhà nước” mà thay bằng “tổ chức hành nghề công chứng” dùng chung cho cả phòng công chứng và VPCC. Luật này cũng không phân biệt giữa phòng công chứng với VPCC về thẩm quyền chứng nhận giao dịch liên quan đến đất”.

Hai luật xung đột: Phải xài luật nào?

Ông Phạm Công Hùng, thẩm phán TAND tối cao tại TP.HCM, cho rằng để giải quyết mối xung đột giữa Luật Đất đai với Luật Công chứng thì phải áp dụng Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 (có hiệu lực đến hết năm 2008) và Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (có hiệu lực từ 1-1-2009). Theo đó, các văn bản quy phạm cùng một vấn đề, cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau. Như vậy, Luật Đất đai và Luật Công chứng cùng do Quốc hội ban hành, cùng giải quyết một vấn đề về thẩm quyền chứng nhận giao dịch quyền sử dụng đất nhưng Luật Công chứng ban hành sau nên phải theo Luật Công chứng.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP