Không phải tự nhiên mà thành phố lập danh sách những chung cư cũ cần cải tạo xây dựng mới và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia triển khai. Lúc mới lập danh sách, nhiều chủ đầu tư sốt sắng tìm hiểu với mong muốn đầu tư, nhưng chỉ đến khi vào việc cụ thể thì nhiều người bỏ chạy…
Đại diện công ty địa ốc S tìm đến một chung cư cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, với mong muốn đầu tư cải tạo lại khu nhà này. Trong ngày đầu tiếp xúc với những hộ dân, đại diện công ty xác định được “cửa ải” đầu tiên là bốn căn hộ do hai doanh nghiệp khác đang sở hữu.
Ngay sau buổi tiếp xúc với hai doanh nghiệp này, đại diện công ty S lắc đầu rút lui vô điều kiện. “Vừa nghe nói là có doanh nghiệp sở hữu căn hộ tại đây là chúng tôi đã ngại rồi. Y như rằng trong buổi tiếp xúc, nghe qua mức giá đề nghị của hai chủ doanh nghiệp với giá vài chục tỉ đồng một căn hộ là biết không thể đàm phán. Dân thì tụi tôi không ngại vì nếu có khung giá hợp lý thì họ sẽ đồng ý ngay, nhưng nếu vướng bốn căn hộ này không đàm phán được thì chẳng biết bao giờ mới khởi công được dự án nên rút là thượng sách…”, người đại diện của công ty S bảo vậy.
Sau khi công ty S rút, một trong hai doanh nghiệp đang sở hữu căn hộ bắn tiếng, dân chỉ có thể bán cho họ, còn không ai có thể vào mua được. “Bán thế nào được, mức giá họ đưa ra cho mọi người thấp hơn chục lần so với mức giá họ đàm phán với công ty S… Họ cố tình ép để mua giá rẻ…”, một chủ căn hộ lầu 1 khu nhà này cho biết.
Không chỉ chung cư này, nhiều chung cư cũ trên địa bàn thành phố đang gặp chung tình cảnh này. Nhiều doanh nghiệp địa ốc có dự tính đầu tư vào chung cư cũ đều biết rõ những doanh nghiệp nào đứng đằng sau việc neo giá, nhưng là vấn đề tế nhị nên chẳng ai muốn phát biểu chính thức.
Câu chuyện một doanh nghiệp địa ốc cho người nhà sở hữu một căn hộ trong cụm chung cư cũ trên đường Trần Hưng Đạo ra giá bán gần 20 tỉ đồng/căn hộ, mức giá đưa ra khiến các doanh nghiệp đang có ý định đầu tư cải tạo chung cư này nghe xong chạy dài. Nhiều người biết chuyện nhưng không ai nói được, đành quy về khái niệm “khó do quy định phải đạt 100% sự đồng thuận” để giải toả bức xúc.
“Chúng tôi đã gặp đàm phán với người dân, hầu hết đồng tình với cách thức công ty đưa ra, chẳng hạn người muốn cư trú tại chỗ, chúng tôi đổi ngang với căn hộ mới, thậm chí căn hộ mới có diện tích lớn gần gấp đôi căn hộ hiện hữu. Nhưng chỉ còn vài căn hộ không đồng tình khiến chúng tôi phải ngưng toàn bộ dự án gần ba tháng nay…”, giám đốc công ty địa ốc PG, doanh nghiệp đang mua lại một chung cư cũ trên đường Nguyễn Văn Đậu kể.
Tại một số chung cư cũ ở quận 10, mặc dù chính quyền địa phương ra sức kêu gọi doanh nghiệp hợp tác với địa phương, song có rất ít người tìm đến. Theo giải thích của một doanh nghiệp, những chung cư cũ có mật độ xây dựng lớn vì với những chung cư này khó có thể tìm được sự đồng thuận trong việc thoả thuận mua lại hoặc khó khăn trong việc tìm hình thức tái định cư cho những hộ dân.
Ngoài ra, ngay cả chính sách, thủ tục pháp lý của nhà nước cũng làm khó cho nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào chung cư cũ. Một chủ đầu tư sau khi cầm chắc trong tay quyền sở hữu các căn hộ trong một cao ốc cũ, nhưng vẫn phải tiếp tục hợp thức hoá xin được giao đất, xin hợp thức hoá cả những hành lang, công trình phụ… trong cao ốc, vì khi cao ốc được hoá giá các công trình phụ này không được bổ sung vào giấy sở hữu căn hộ. Đã mua hết nhưng vẫn không phải là chủ sở hữu đích thực, khiến nhiều dự án cứ phải giậm chân tại chỗ.
Bởi vậy, nói như một doanh nghiệp địa ốc: “Bao giờ các doanh nghiệp chỉ phải mua đất một lần, lúc đó hy vọng các kiểu các loại dự án mới có thể tiến hành nhanh”. Nói vậy vì sau khi mua xong, các doanh nghiệp lại tiếp tục làm hồ sơ xin giao đất, xin lập dự án, xin thêm đủ thứ cho miếng đất của riêng mình rồi mới có thể tiến hành thực hiện.