Top

Cắt giảm dự án công: Khó!

Cập nhật 02/05/2008 11:00

Dù giá vật liệu xây dựng cao, nơi nào cũng kêu không điều chỉnh giá thì nhà thầu sẽ... “bỏ của chạy lấy người”, nhiều công trình tổ chức đấu thầu nhiều lần vẫn không chọn được thầu vì giá cả leo thang... Và đến hết quý 1-2008 toàn TPHCM chỉ mới giải ngân được 10% của vốn ứng đợt 1. Nhưng khi UBND TPHCM đề nghị các đơn vị tự cắt giảm một số dự án kém hiệu quả, chưa (hoặc chậm) triển khai để bù vốn thực hiện các dự án còn lại thì nơi nào cũng muốn “ôm”, không muốn cắt...

Hết tháng 4, chỉ cắt được... 1%

Mặc dù tiêu chí để cắt giảm vốn một số công trình, dự án công đã được UBND TPHCM quy định khá rõ, thế nhưng, đã gần hết tháng 4, việc cắt giảm gần như... bế tắc.

Đã hết thời hạn các đơn vị gởi báo cáo tự rà soát, đề xuất cắt giảm về Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) - đơn vị được UBNDTP giao tổng hợp - nhưng chỉ có 50 trong tổng số 94 đơn vị trên địa bàn TP gửi báo cáo. Điều đáng nói là trong số đó chỉ có 30 báo cáo có đề xuất cắt giảm mà số lượng cắt giảm cũng chỉ cho có. Cụ thể, các đơn vị chỉ tự cắt giảm vốn của 59 dự án (trong tổng số hơn 1.900 dự án) với số vốn 59 tỷ đồng.

Đơn vị được coi là mạnh tay nhất là quận Tân Phú. Ông Phan Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú đề nghị cắt giảm vốn 6 dự án (những dự án này vướng đền bù giải tỏa), để đảm bảo nguồn vốn, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận.

Còn ở quận 6, bà Đỗ Thị Thanh Hiền, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch cho biết, năm 2008 quận có 22 dự án, trong đó có 13 dự án chuẩn bị đầu tư với số vốn tạm ứng đợt 1 là 34 tỷ đồng, thế nhưng để ưu tiên vốn đầu tư vào các dự án trọng điểm, quận tự đề xuất cắt 3 dự án xét thấy chưa cần thiết là dự án mở rộng đường Đặng Nguyên Cẩn, dự án lợp mái ngói và mở rộng bãi xe chợ Bình Tây để bù tăng giá, đảm bảo thực hiện các dự án còn lại...

Các đơn vị không muốn cắt thì nêu 1.001 “cái khó”. Chẳng hạn, quận 1 có 4 dự án nhưng các dự án này đã được HĐND cùng cấp thông qua, đang triển khai nên UBND quận không thể tự cắt, mặc dù quý 1 quận chưa giải ngân được đồng nào.

Trả lời việc này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, sở dĩ quận không giải ngân được là do hồ sơ thủ tục giải ngân tập trung vào cuối năm chứ thực tế công trình vẫn đang được thực hiện.

Còn Chủ tịch UBND quận 7 Võ Thị Kim Em thì cho rằng, giá vật liệu tăng, để không tăng vốn thì phải cắt giảm dự án, nhưng cắt như thế nào, cuối tuần này quận mới họp bàn để quyết định (dù nay đã hết hạn mà UBNDTP đưa ra).

Còn Sở Bưu chính Viễn thông, tuy đã nhận tiền đợt 1 nhưng chưa triển khai dự án, hết quý 1 chưa giải ngân đồng nào. Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc sở cho rằng, lỗi là do thủ tục không đồng bộ. Đến ngày 5-4, UBND TP mới duyệt kế hoạch chi tiết dự án thì làm sao triển khai, mà chưa triển khai, tiền chưa xài thì làm sao giải ngân.

Ngoài ra, cũng có một số quận - huyện kiên quyết không cắt giảm. Cụ thể là quận 9 (24 dự án), Củ Chi (62 dự án - nhiều nhất so với các đơn vị)... Những đơn vị này cho rằng, do các công trình trường học, đường trọng điểm, công trình phục vụ văn hóa xã hội nên không thể cắt được.

Cắt giảm thế nào?

Để kiềm chế lạm phát, không tăng nguồn chi ngân sách trong thời điểm giá cả leo thang, UBNDTP chỉ đạo các đơn vị phải tự rà soát cắt giảm một số công trình để chuyển vốn sang bù vào phần chênh lệnh tăng giá thực hiện những công trình trọng điểm. Dù Sở KHĐT đã đưa ra tiêu chí cắt giảm là những dự án kém hiệu quả, đọng vốn quá lâu; dự án chậm triển khai; dự án đã ghi vốn nhưng xét thấy chưa cấp thiết; dự án có thiết kế ban đầu không còn phù hợp và giá trị đầu tư tăng nhưng việc thực hiện cắt giảm lại gặp muôn vàn khó khăn.

Một vấn đề khó hiểu là hiện TP có đến 427 công trình chuyển tiếp, 112 dự án chuẩn bị thực hiện và đến 710 dự án chuẩn bị đầu tư... mà tại sao các đơn vị chỉ cắt giảm được 8 công trình chuyển tiếp, 8 dự án chuẩn bị thực hiện, 1 công trình mới khởi công nhưng xét thấy chưa cần thiết và 42 dự án chuẩn bị đầu tư? Như vậy làm sao đảm bảo ngân sách không tăng thêm nguồn chi?

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở KHĐT cho biết: 1% số dự án mà các đơn vị tự cắt giảm sẽ không đủ bù lỗ cho tốc độ tăng giá. Với tốc độ tăng giá trên 10% như hiện nay, nếu các đơn vị không tự cắt giảm, chúng tôi sẽ đề nghị UBND TP căn cứ vào những tiêu chí trên, rà soát, cắt giảm, hoãn dự án sang năm sau... tối thiểu phải giảm được 10% tổng vốn dự án thì mới đảm bảo không tăng nguồn chi ngân sách.

Tính riêng năm 2008, danh mục các dự án đầu tư có nguồn vốn từ ngân sách của TPHCM là 1.700 dự án (nếu cộng với dự án chuyển tiếp nâng lên thành 1.971 dự án) với tổng số vốn hơn 15.000 tỷ đồng. Thế nhưng, đến hết quý 1, các đơn vị chỉ giải ngân được khoảng 10% của 5.857 tỷ đồng tiền vốn ứng đợt 1.


Theo Sài Gòn Giải Phóng