Quá trình đô thị hóa đang tăng nhanh một cách chóng mặt. Tuy nhiên, không cùng "đồng hành” với sự phát triển của các đô thị mới, những đô thị cũ xây từ trước năm 1975, thậm chí lâu hơn vẫn còn đó những dãy phố, những khu nhà tồn tại một cách ọp ẹp.
Khu tập thể Kim Liên (Hà Nội) đã biến dạng hoàn toàn, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Hoàng Long
|
Những khu phố "già nua”
Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cả nước hiện còn rất nhiều đô thị được xây dựng từ trước năm 1975, thậm chí còn ra đời trước đó lâu hơn. Riêng tại hai thành phố lớn, Hà Nội và TPHCM, có không ít khu phố, dãy nhà được xây dựng từ thời Pháp, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng và chịu sự quá tải về hạ tầng, dân số dưới sức ép của quá trình phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia ngành kiến trúc, dường như nhà quản lý chỉ đang tập trung vào cải thiện bề nổi của đô thị với các dự án của Nhà nước và chính quyền địa phương nhằm xây dựng khu trung tâm, hạ tầng đầu mối, các khu đô thị. Còn việc cải tạo, nâng cấp các khu dân cư đô thị cũ, làng xóm trong các khu ven đô lại rất "khiêm tốn”, thậm chí bị treo lại do thiếu quy hoạch. Thiếu sót này đang dẫn đến một thực tế lâu nay: Hàng triệu người dân đang sống trong các khu vực hạ tầng hết sức yếu kém, ngập úng, người già không có chỗ dạo, trẻ con không có chỗ chơi, đường ngõ chật hẹp, xe cứu thương, cứu hỏa không thể vào, nhiều người dân phải sống trong những ngôi nhà "ổ chuột kiểu mới” tối tăm, ẩm thấp, chật chội...
Có thể dẫn ra hàng loạt những khu nhà "già nua”, hết "đát” của Hà Nội. Thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 9-2014, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.155 nhà chung cư 3-5 tầng do cơ quan quản lý nhà của thành phố đang quản lý bán theo Nghị định 61. Trong đó, có hơn 200 nhà chung cư có kết cấu lắp ghép tấm lớn với diện tích gần 500.000 m2 sàn, được xây dựng từ trước năm 1980 và hầu hết chưa được tính đến thiết kế kháng chấn, tập trung tại 4 quận nội thành cũ (khu vực hạn chế phát triển theo quy hoạch chung được phê duyệt), đến nay đã hết niên hạn sử dụng và xuất hiện tình trạng nguy hiểm với hệ thống hạ tầng đã xuống cấp, cần được cải tạo, xây dựng lại. Trong khi đó lại có 66 dự án phát triển nhà ở xã hội đã và đang triển khai, với khoảng 5.016.977 m2 sàn nhà ở xây mới.
Còn tại TPHCM, thống kê của Sở Xây dựng, thành phố có khoảng 1.002 chung cư. Trong đó, có 533 lô chung cư, nhà tập thể được xây dựng từ trước năm 1975 đã xuống cấp trầm trọng cần phải tháo dỡ để cải tạo hoặc xây dựng mới. Riêng khu trung tâm thành phố, có hàng loạt chung cư cũ gây mất mỹ quan từ nhiều năm qua cần phải tháo dỡ khẩn cấp. Ví dụ cụ thể: 4 lô chung cư Cô Giang (quận 1) cao 5 tầng xiêu vẹo, xập xệ vì tuổi tác sử dụng đã hơn 40 năm. Ngay trên đường Trần Hưng Đạo cũng có một khu chung cư cao tầng xây dựng từ trước năm 1975, đã trở thành "khu ổ chuột” đúng nghĩa vì mức độ ẩm thấp, ô nhiễm, tường bê-tông mục nát, rơi rụng đến mức trơ cả lõi sắt thép.
Nguyên nhân chính được giới chuyên gia chỉ ra, là do việc quy hoạch các đô thị cũ đang thiếu sự quan tâm của các nhà làm quản lý. "Ai thích cơi nới thì cứ cơi nới, ai thích xây thêm cứ xây thêm, tùy tiện và không theo một quy hoạch nào khiến cho các khu đô thị cũ hiện nay lem nhem, chắp vá”, một chuyên gia đến từ Viện Quy hoạch đô thị nhận định.
Cải tạo và lợi ích hài hòa
Sự phát triển không cân xứng, lệch lạc giữa các đô thị mới và đô thị cũ đang khiến cho diện mạo nhiều thành phố trở nên nhem nhuốc, xộc xệch. Nói như Kỹ sư Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì hàng triệu người dân đang phải sống trong các làng, ngõ xóm bị "đô thị” hóa một cách ồ ạt, lộn xộn tạo nên một vùng nhà ở ổ chuột kiểu mới. Bởi vậy, ông Hùng cho rằng, trong khi chưa đủ điều kiện để tiến hành cải tạo triệt để hoặc đầu tư xây dựng một khu đô thị mới, thì việc quản lý và vận hành có hiệu quả hoạt động đô thị tại các khu đô thị cũ là một việc làm cần thiết trước mắt.
Có thể thấy, vấn đề chỉnh trang đô thị đang là đòi hỏi bức thiết hiện nay, bởi nó không chỉ làm thay đổi diện mạo các khu đô thị của Việt Nam mà còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. KTS Nguyễn Thị Hiền, đến từ tổ chức HealthBridge phác họa một hình ảnh rất phổ biến của các đô thị hiện nay, đó là sự chật chội, chen chúc của các tòa nhà, hầu như không có không gian để người dân thư giãn, giải trí. Từ đó dẫn đến chất lượng cuộc sống của người dân bị xuống cấp. Vị KTS dẫn chứng: "Các không gian còn lại giữa các tòa nhà chung cư bị chiếm giữ chủ yếu là để tổ chức dịch vụ cho người dân như bãi đậu xe, bán hàng ăn v.v. Bên cạnh đó, rất nhiều không gian công cộng đã được lấp đầy với các tòa nhà tạm thời và kiên cố cho mục đích thương mại và nhà ở. Bằng cách này, các vườn hoa, sân chơi khu dân cư đã dần biến mất…”. Điều này cũng đồng nghĩa nhu cầu hưởng thụ cuộc sống của người dân đang bị "đánh cắp”.
Bởi vậy, KTS Hiền đề xuất, cần khẩn trương phục hồi, tôn tạo, nâng cấp các không gian công cộng này, đồng thời tăng cường công tác quản lý, dẹp bỏ những lấn chiếm, sai phạm, sử dụng sai mục đích.
Các chuyên gia đến từ Viện Quy hoạch đô thị cũng cho rằng, nếu công tác cải tạo đô thị cũ không được coi trọng đúng mức và không có những giải pháp đột phá, thì hậu quả mà cư dân tại các khu vực đó phải lĩnh nhận thật khó lường. Tất nhiên, giới chuyên gia cũng đề xuất, quá trình cải tạo phải có sự tham gia, giám sát của cộng đồng, phải cân bằng lợi ích, hài hòa giữa các bên. Nếu không chú ý điểm này, sẽ dẫn đến việc nhà đầu tư chỉ nhìn vào lợi ích riêng của mình, lên quá nhiều cao ốc tại các khu vực trung tâm, khiến cho hạ tầng đo thị bị quá tải.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết