Làng sinh viên Hacinco Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy. |
Hàng vạn sinh viên vừa trúng tuyển trong kỳ thi đại học, cao đẳng đang từ các tỉnh về Thủ đô nhập học. Trong khi khả năng giải quyết chỗ ở trong ký túc xá (KTX) của các trường là có hạn thì việc tìm chỗ thuê trọ bên ngoài vừa phù hợp với túi tiền, vừa bảo đảm việc sinh hoạt, học tập cho sinh viên thật không đơn giản.
Tranh nhau tìm chỗ trọ
Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 800.000 sinh viên, nhưng hệ thống ký túc xá tại các trường quy mô rất nhỏ, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu chỗ ở. Anh Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố cho biết: Ở thành phố hiện có 53 trường đại học, học viện, cao đẳng, nhưng chỉ có trên 15% sinh viên được ở trong các KTX. Vấn đề nhà trọ luôn là đề tài nóng tại các buổi sinh hoạt chi hội hay hoạt động ngoại khoá của sinh viên.
Ông Đỗ Văn Đức, Phó ban Quản lý KTX Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây (huyện Thường Tín) cho biết: KTX của nhà trường hiện đáp ứng được 70% nhu cầu của sinh viên, con số này là cao so với các trường trên địa bàn Thủ đô. Một số trường đại học lớn khác như: Bách khoa, Kinh tế quốc dân, Giao thông - Vận tải mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu chỗ ở của sinh viên. Ở một số trường cơ sở vật chất còn "khiêm tốn", con số này còn thấp hơn nhiều, đặc biệt là các trường dân lập, tư thục còn chưa có KTX.
Cứ vào dịp bắt đầu năm học mới, những khu vực gần các trường đại học, học viện, cao đẳng lại nhộn nhịp người hỏi thuê phòng trọ. Không thuộc đối tượng được ưu tiên ở KTX, Nguyễn Thị Khánh, sinh viên Trường Đại học Hà Nội (quê ở Nam Định) phải thuê một phòng trọ ở thôn Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) rộng 16m2, 4 người ở giá là 900 nghìn/tháng. Nhưng không phải ai cũng "gặp may" như Khánh. Nhiều SV phải thuê nhà trọ cách trường đến 4, 5 cây số, mà giá thì cũng "trên trời". Nếu so sánh với KTX thì vừa đắt, điều kiện không bằng mà an ninh trật tự phức tạp.
Cung không đủ cầu, những gia đình có đất rộng ở khu vực xung quanh các trường chỉ cần bỏ ra một vài chục triệu để xây dựng là đã có vài ba phòng cho thuê. Gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) có hơn chục phòng cho thuê, giá từ 700 đến 1,2 triệu, mỗi tháng anh thu nhập ngót chục triệu. Anh cho biết: Hầu như lúc nào phòng cũng kín, nhiều khi còn tranh nhau thuê, sinh viên giữ chỗ từ năm học đầu đến năm học cuối, có trường hợp sinh viên khóa trước đặt chỗ cho sinh viên khóa sau.
Vẫn là giấc mơ xa
KTX Mễ Trì phục vụ sinh viên 2 trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) và Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, số phòng ở trong ký túc chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Liêm, Trưởng ban Quản lý KTX Mễ Trì cho biết: "Hiện tại KTX mới đáp ứng được khoảng 20% đến 30% chỗ ở cho sinh viên với 1.800 chỗ trọ. Mỗi năm, Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học KHXH&NV tuyển khoảng 3.000 sinh viên, nhưng chỉ đáp ứng được 500 chỗ ở. Để có chỗ trọ cho khoảng 500 sinh viên khóa mới, Ban Quản lý KTX phải "vận động" hơn 400 sinh viên học năm thứ 3 và thứ 4 ra ngoài thuê, nhường lại phòng cho các em khóa sau. Năm học 2009-2010 này, chúng tôi phải thông báo đến ngày 8-9 đã hết phòng ở, mặc dù còn rất nhiều sinh viên là con em những gia đình chính sách, vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa…".
Sau khi được cải tạo, các phòng trong KTX Mễ Trì đều khép kín, điện nước đầy đủ và đều được trang bị điện thoại và cung cấp dịch vụ internet. Trong KTX có căng tin phục vụ các món ăn tự chọn, có khu tiếp khách, thư viện và các phòng tự học… Thực sự với mức giá từ 110 nghìn đến 200 nghìn/tháng/người, hỗ trợ 10 số điện và 4 khối nước thì ở KTX quả là quá rẻ so với bên ngoài. Sinh viên Nguyễn Thị Thoa, khoa Văn, Trường Đại học KHXH&NV (quê ở huyện Kiến Xương, Thái Bình) cảm thấy rất may mắn khi được ở KTX. "Lúc đầu bố mẹ em cũng rất lo lắng, không biết khi nhập học thì thế nào? Vì em là con gia đình nghèo nên được ưu tiên vào KTX. Mỗi tháng chỉ phải nộp 130 nghìn đồng, điện nước sinh hoạt đầy đủ, an ninh tốt, thoáng mát, sạch sẽ", Thoa tâm sự. Em Đoàn Thị Phương, khoa Thông tin Thư viện, Trường Đại học KHXH&NV khoe: "Em là con thương binh thì mới được KTX tiếp nhận, cũng thật may, nếu không thì phải ra ngoài thuê nhà trọ vừa đắt, gia đình thêm khó khăn và lo lắng".
Do số phòng ở hạn chế, nên KTX Mễ Trì mới chỉ ưu tiên cho các đối tượng sinh viên là con liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, sinh viên dân tộc ít người, sinh viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc thi đạt điểm cao vào trường. Số còn lại phải đi thuê trọ ở bên ngoài. Nguyễn Văn Hoàng, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tâm sự: "Em rất muốn được ở KTX, nhưng vì không thuộc đối tượng ưu tiên được xét ở, nên phải ở nhờ nhà họ hàng khá xa trường. Được ở trong KTX đến nay vẫn chỉ là ước mơ của số đông sinh viên ngoại tỉnh như bọn em".
Dự kiến dành trên 600 tỷ xây ký túc xá sinh viên
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Phí Thái Bình cho biết: Chính phủ dự kiến bố trí trên 600 tỷ đồng trái phiếu chính phủ năm 2009 cho Hà Nội xây nhà ở cho sinh viên. Đây sẽ là nguồn vốn chung cho các dự án nhà ở sinh viên do UBND thành phố thực hiện và các dự án do các trường thực hiện.
Đối với các trường trong nội thành, quỹ đất còn có thể xây dựng KTX, thành phố Hà Nội đã đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các trường xây dựng KTX trong khuôn viên thuộc nội thành. Nhằm thực hiện giải pháp đưa KTX ra 4 hướng, thuộc các khu vực vành đai 3, vành đai 4, Hà Nội đã cho xây dựng các dự án KTX tại Pháp Vân - Tứ Hiệp (3,7ha đáp ứng 22.000 sinh viên), Mỹ Đình 2 (1,7ha, đáp ứng 8.000 sinh viên), Xuân Đỉnh - Cổ Nhuế (trên 2ha, đáp ứng trên dưới 10.000 sinh viên) và Đồng Mai (dự án lớn nhất, lên tới 40 - 50ha).
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới